Tận tụy với công việc
Khi chưa tròn 20 tuổi,ắmphẩmchấtbộđộiCụHồkết quả đuc ông Đoàn Văn Vinh (SN 1955) quê ở tỉnh Quảng Trị đã hăng hái lên đường tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc ở chiến trường biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Những năm tháng trên chiến trường đầy gian nan, ông cùng đồng đội chiến đấu quên mình để đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho đất nước. 18 năm trong quân ngũ, ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Năm 1993, vì lý do sức khỏe nên ông phục viên.
Bệnh binh Đoàn Văn Vinh chăm sóc vườn cây cảnh
Là bệnh binh 2/3, dù mất sức lao động 65% nhưng ông Vinh luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của người lính Cụ Hồ. 17 năm là cán bộ phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội thị trấn, 10 năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn, 10 năm là Bí thư Chi bộ khu phố Ninh Thành, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Bản thân vừa làm kinh tế gia đình vừa làm tròn nhiệm vụ trên từng lĩnh vực công tác, nhất là tham mưu làm thủ tục giải quyết hồ sơ, chế độ chính sách cho những trường hợp từng tham gia kháng chiến. Tôi xem đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đồng đội” - ông Vinh bày tỏ.
Không chỉ là cán bộ gương mẫu, nhiệt tình, ông Vinh còn là gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh. Để ổn định cuộc sống gia đình bền vững, ông bàn với vợ vay vốn ngân hàng làm kinh tế. Gia đình ông đầu tư trồng trọt và thu mua nghệ tươi của bà con địa phương về chiết xuất làm tinh bột nghệ. Hiện gia đình ông thuộc diện kinh tế khá. 4 người con của ông đều được học hành, ra trường và có việc làm ổn định.
Nhiệt tình với công tác xã hội
Bệnh binh 2/3 Tăng Văn Khoa (SN 1957) ở ấp 6, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh là gương điển hình làm kinh tế giỏi và tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương.
18 tuổi, ông tham gia chiến đấu trên chiến trường phía Bắc, với nhiệm vụ làm liên lạc. Năm 1989, do sức khỏe không đảm bảo, ông phục viên, là bệnh binh 2/3, giảm 61% sức lao động. Tuy sức khỏe giảm sút nhưng khi bắt tay vào làm kinh tế, ông luôn tâm niệm phải phấn đấu hết mình, còn sức còn cống hiến xây dựng quê hương và là tấm gương cho con, cháu noi theo.
Bệnh binh Tăng Văn Khoa vui mừng thu hoạch trái cây được mùa
Năm 2000, ông cùng gia đình vào định cư tại ấp 6, xã Lộc Thái. Trên diện tích vườn 5.000m2, ông cùng vợ cải tạo đất trồng các loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng. Ông Khoa chia sẻ: Là người lính Cụ Hồ, được rèn luyện trong quân ngũ, nay trở về cuộc sống đời thường tôi cùng gia đình phấn đấu phát triển kinh tế, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Đối với công tác xã hội, bản thân luôn tâm niệm còn sức là còn cống hiến xây dựng quê hương.
Là Bí thư Chi bộ ấp 6, ông cùng các đoàn thể trong ấp thường xuyên đến thăm các hộ dân, từ đó có hướng đề xuất, vận động giúp đỡ hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiện ấp 6 không còn hộ nghèo. Ông còn vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu. Đến nay, 6/6 tuyến đường trong khu dân cư được bê tông hóa; 2/6 tuyến đường có đèn chiếu sáng và camera an ninh. Cuối năm 2011, ấp 6 đạt 10/10 tiêu chí xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
“Thương binh tàn nhưng không phế”
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Bắc Kạn, năm 21 tuổi ông Hoàng Xuân Thiếm (SN 1957, dân tộc Tày) xếp bút nghiên lên đường bảo vệ Tổ quốc, đóng quân thuộc đơn vị Quân khu 1, tỉnh Cao Bằng. Năm 1981, trong lần tác chiến trên chiến trường, ông bị thương nặng, sức khỏe giảm sút. Năm 1982, ông trở về cuộc sống đời thường, là thương binh 4/4, bệnh binh 2/3.
Thương binh, bệnh binh Hoàng Xuân Thiếm chăm sóc đàn dê
Năm 1997, ông cùng gia đình vào định cư tại ấp 11B, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông tiếp tục tham gia công tác xã hội ở nhiều cương vị. Từ tháng 10-2017 đến nay, ông là Bí thư kiêm Trưởng ấp 11B. Khi tiếp nhận nhiệm vụ này, lúc đó toàn ấp có 7 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Sau 5 năm, ông tích cực, chủ động tiếp cận vận động và hỗ trợ từ các nguồn lực, đến tháng 6-2022, ấp chỉ còn 1 hộ nghèo. Cùng với đó là 12/12 tuyến đường liên tổ đã được bê tông hóa; 3/12 tuyến đường được lắp đèn chiếu sáng khu dân cư…
Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, ông còn làm kinh tế giỏi. Hiện gia đình ông đang sở hữu trại heo nái, heo thịt khoảng 200 con, đàn dê 28 con và 2 sào đất trồng chuối, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Ông Thiếm bộc bạch: Bản thân và gia đình đã phấn đấu rất nhiều để có cuộc sống như ngày hôm nay. Lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế” luôn thôi thúc tôi phải cố gắng trong mọi hoàn cảnh.
Huyện Lộc Ninh hiện có 233 thương binh, 94 bệnh binh. Không chỉ anh dũng trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà khi trở về cuộc sống đời thường, họ lại tiếp tục phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, cần cù lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và tham gia công tác xã hội. Họ xứng đáng là những tấm gương mẫu mực cho thế hệ con cháu học tập, noi theo. |