Tuy nhiên, tình trạng thiếu đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn khá cao, với 3.913 hộ (trong đó 901 hộ không có đất sản xuất, 3.012 hộ thiếu từ 30-50% so với định mức hỗ trợ của Trung ương và thiếu từ 75-90% so với định mức yêu câu đảm bảo cuộc sống tại địa phương).
(CMO-PL) Toàn tỉnh có 13 dân tộc thiểu số với 11.994 hộ, 52.997 khẩu. Thực hiện Nghị định 05/2011/NÐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc, những năm qua, tại Cà Mau đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 2-3%/năm; đồng bào dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý điều hành của Nhà nước; bà con đồng bào DTTS tích cực tham gia giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, 38 xã thuộc vùng khó khăn, xã bãi ngang ven biển tỉnh đã hỗ trợ để đối tượng thụ hưởng chính sách chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư, phục vụ sản xuất và đời sống với số tiền trên 6,5 tỷ đồng. 22 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo trên địa bàn xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển được hỗ trợ nước sinh hoạt với số tiền 28,6 triệu đồng, đạt 77% tổng nguồn vốn được giao. Ðối với dự án định canh, định cư, Cà Mau đã giải ngân 1,5 tỷ đồng, trong tổng nguồn vốn được giao là 9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn khá cao, với 3.913 hộ (trong đó 901 hộ không có đất sản xuất, 3.012 hộ thiếu từ 30-50% so với định mức hỗ trợ của Trung ương và thiếu từ 75-90% so với định mức yêu câu đảm bảo cuộc sống tại địa phương). Do chuyển nhượng, cầm cố đất sản xuất, do tách hộ dẫn đến diện tích đất không đủ để chia cho hộ mới tách.
Qua rà soát, 3.012 hộ có nhu cầu hỗ trợ bằng hình thức cấp đất sản xuất và 901 hộ có nhu cầu hỗ trợ bằng tiền hoặc hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề. Ðây được xem là một thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong khi hiện nay địa phương không còn quỹ đất công để xem xét hỗ trợ cho các đối tượng.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NÐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kiến nghị: Nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách dân tộc còn giới hạn, trong khi ngân sách địa phương có hạn nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc. Do đó, thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020, Trung ương nên điều chỉnh lại cơ chế quản lý theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu và dài hạn. Bên cạnh đó, cần xây dựng, củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc./.
Thanh Phương