Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán cá nhân trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, trong quý 1/2022, số dư này đã tăng gần 103.600 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 11% và chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, đạt hơn 1,04 triệu tỷ đồng. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và tăng gấp 3 lần trong vòng 4 năm. Đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp số dư tiền gửi thanh toán cá nhân ghi nhận tăng trưởng dương. Tài khoản thanh toán cá nhân là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Vì vậy, hơn 1 triệu tỷ đồng kể trên đều là các khoản tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất phổ biến chỉ 0,1-0,3%/năm. Trong khi số dư tiền gửi trên tài khoản thanh toán tăng mạnh, tốc độ tăng số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại các nhà băng lại có xu hướng chậm hơn. Cụ thể, đến cuối tháng 3, toàn hệ thống ngân hàng có 118,6 triệu tài khoản thanh toán thuộc sở hữu của khách hàng cá nhân, tăng 3,45 triệu tài khoản so với quý trước đó, tương đương 3%. So với một năm trước, tốc độ tăng của chỉ tiêu này cũng mới đạt gần 14%, với khoảng 14,4 triệu tài khoản được mở mới. Như vậy, tính đến cuối quý 1/2022, bình quân mỗi tài khoản thanh toán của người dân để khoảng 8,8 triệu đồng, tăng hơn con số 7,1 triệu đồng cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, số dư tiền gửi có kỳ hạn của nhóm khách hàng này tại các ngân hàng cũng đã tăng nhanh trong quý đầu năm nay. Theo đó, tính riêng tháng 3, số dư tiền gửi ngân hàng của người dân đã tăng hơn 14.000 tỷ đồng, nâng tổng mức tăng trong 3 tháng đầu năm lên 174.000 tỷ đồng, tương đương 3,28%, cao hơn số tăng của cả năm 2021 trước đó với chỉ 3,08%. Hiện tổng số dư tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 5,47 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 3 là 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2021. Đáng chú ý, so riêng trong tháng 3, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã tăng thêm gần 230.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, lượng tiền gửi tại ngân hàng từ đầu năm đến nay luôn giữ xu hướng tăng, qua đó đảm bảo khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng cho nền kinh tế, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, trong 3 tháng trở lại đây, đa số ngân hàng tư nhân đã tăng lãi suất huy động, phổ biến khoảng 0,3-0,5%/năm, đưa ra mức lãi suất cao nhất tại nhiều ngân hàng vượt trên 7%/năm. Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VnDirect, lãi suất huy động (bằng VND) chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm. Tính đến cuối tháng 5/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 20 điểm cơ bản và 23 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021. Vì thế, VnDirect cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm 2022 do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng cao trong những quý tới. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không lớn với dự báo lãi suất từ nay tới cuối năm tăng thêm khoảng 30-50 điểm cơ bản, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện ở mức bình quân là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm. |