Các cuộc thi trên mạng internet không chỉ là sân chơi bổ ích,ếnsnchơithnhđộnglựchọctậđá bóng việt nam tối nay mà còn giúp học sinh tiếp cận dễ dàng hơn với việc học tập hiện đại.
Học mà chơi, chơi mà học
Em Trương Minh Mẫn, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Sau giờ học, em dành thời gian nhiều trên máy để rèn thêm kỹ năng làm bài tập, luyện nghe tiếng Anh và cả chơi game liên quan đến rèn luyện nghe nhìn để giải trí. Nhờ làm nhiều, xem nhiều cách giải trên internet mà em có thêm nhiều kỹ năng làm bài nhanh. Em đã tự lĩnh hội được kiến thức nhờ giải nhiều bài tập trên internet”. Với những kỹ năng tự trang bị của mình qua sân chơi bổ ích từ các cuộc thi qua mạng mà em Minh Mẫn đã mang về 1 giải bạc môn vật lý cấp quốc gia cuộc thi Violympic (cuộc thi giải toán, vật lý qua internet cấp toàn quốc) năm học 2016-2017, giải khuyến khích cấp tỉnh, giải 3 cấp thành phố…
Các cuộc thi qua mạng giúp học sinh tự trang bị kiến thức, kỹ năng học tập.
Còn em Trần Đỗ Minh Châu, học sinh lớp 5A6, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, tự tin nói: “Em thấy cuộc thi rất vui và hấp dẫn. Em không bị áp lực đối với các cuộc thi trên mạng. Với em, làm các bài toán, học tiếng Anh qua mạng là học mà chơi, chơi mà học. Ở đây, em được thoải mái rèn kỹ năng làm bài nhanh mà không cần tốn giấy mực, không mất nhiều thời gian viết rồi tẩy xóa. Ba mẹ em cũng khuyến khích em nên em cảm thấy thoải mái trong học tập”. Từ chia sẻ của em mới thấy cuộc thi đã giúp học sinh nâng cao ý thức học tập từ bao giờ. Từ các cuộc thi qua mạng, chỉ tính trong năm học 2016-2017, Minh Châu đã mang về 1 giải khuyến khích cấp quốc gia cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet cấp toàn quốc, giải nhì cuộc thi tiếng Anh thông minh trên internet cấp tỉnh, giải khuyến khích cuộc thi giải toán qua mạng internet cấp tỉnh, giải nhất tin học trẻ cấp thành phố…
Không chỉ thu hút học sinh ở thành phố, các em học sinh ở trường vùng sâu, còn nhiều khó khăn cũng có sự đam mê nhất định qua các cuộc thi qua mạng. Em Lâm Thành Minh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, bày tỏ: “Em rất thích thử sức của mình qua các cuộc thi trên mạng. Từ cuộc thi em tìm và nâng cao kiến thức toán học của mình, học trên mạng rất ít tốn thời gian và rất dễ nâng cao kỹ năng”. Được biết, vừa qua em cũng mang về 1 giải khuyến khích cấp quốc gia môn vật lý.
Tạo cảm hứng cho cả giáo viên và học sinh
Cô Trần Thị Linh Đa, Tổ trưởng Tổ toán, lý - tin của Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Đề thi của các cuộc thi qua mạng đều bám sát chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo để ban hành. Tôi thấy đề thi luôn được biên soạn với tỷ lệ khoảng 40% là câu hỏi dễ, khoảng 40% câu hỏi trung bình - khá, 20% câu hỏi khó, các câu hỏi nâng cao nhằm kích thích tư duy của học sinh, tạo khả năng đột phá. Để đạt được 300 điểm qua 3 vòng thi, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức tổng hợp và kỹ năng làm bài trên máy tính nhạy bén. Tôi thấy mừng vì học sinh ngày càng tiến bộ qua từng vòng thi”.
Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, cho biết: “Để tạo điều kiện cho học sinh tập luyện tốt qua các giờ học trên lớp, chúng tôi phân công giáo viên bồi dưỡng có chuyên môn vững vàng và nhiều kinh nghiệm ngay từ đầu năm học để hỗ trợ các em. Ngoài ra, cho học sinh tạo nhiều nick name để học sinh thử sức, rèn đi rèn lại nhiều lần học sinh sẽ tự tin khi tham gia từ các vòng thi cấp trường, thành phố, tỉnh. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, phòng máy của nhà trường còn hạn chế nên để học sinh tham gia các cuộc thi qua mạng, chúng tôi khuyến khích phụ huynh mang máy laptop vào để con dự thi cấp trường”.
Thực tế hiện nay, máy tính và internet đang là những công cụ không thể thiếu trong giáo dục. Học sinh hiểu được internet không chỉ là để giải trí, mà còn là nơi tích lũy tri thức học tập suốt đời. Với trí tuệ, sự ham mê học tập của các em học sinh cũng như sự hướng dẫn tận tình của thầy cô giáo, các cuộc thi qua mạng sẽ tiếp tục tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ giáo viên và học sinh. Bà Lê Thị Kim Ngân, phụ huynh học sinh Trường THCS Lê Quí Đôn, nhận định: “Cùng một bài toán, nếu tôi cho con làm trên giấy thì cháu sẽ không tỏ ra hào hứng bằng việc được làm bài trên máy tính và được chơi cùng các bạn. Tôi cũng đã nhiều lần xem con làm thử các bài tập trên mạng. Quả thật, các website giải toán, tiếng Anh được thiết kế khá thân thiện, thông tin trực quan, dễ tra cứu. Trên trang chủ, nổi bật là 6 menu chính gồm: Vào thi, kết quả, xếp hạng, thi các cấp, hướng dẫn, giới thiệu để giúp cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh dễ dàng truy cập và tìm kiếm thông tin. Tôi thấy an tâm khi con mình có ý thức học tập tốt từ khi lên mạng học”.
Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến cho rằng hiện nay có quá nhiều cuộc thi qua mạng, sẽ gây không ít áp lực với học sinh, nhất là học sinh cấp tiểu học. Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhận định: “Tôi nghĩ áp lực hay không là do cách làm thôi, theo tôi cuộc thi rất phù hợp cho học sinh, rèn kỹ năng rất tốt. Để có được kết quả cao, các em phải vận dụng kỹ năng và tư duy để đạt được kết quả cao, không phải học sinh nào cũng có thể đạt điểm tối đa được. Chúng tôi hiểu cuộc thi là sân chơi cho các em, vì vậy chúng tôi không tạo sức ép để lấy thành tích, học sinh nào thích thì chúng tôi tạo điều kiện để tham gia”.
Năm học 2016-2017, học sinh từ tiểu học đến THPT đạt được 7 giải cấp quốc gia cuộc thi qua Olympic tiếng Anh trên mạng internet, 13 giải Violympic (cuộc thi giải toán, vật lý qua internet cấp toàn quốc) năm học 2016-2017, trên 100 giải thưởng cấp tỉnh… |
Bài, ảnh: CAO OANH