Trong danh sách do nhà trường đưa ra, có 1.204 học sinh đã vượt qua vòng sơ tuyển, đủ điều kiện dự thi vào lớp 6 năm học tới đây.
Năm nay, những học sinh có điểm sơ tuyển từ 137 điểm trở lên được lọt vào danh sách tham gia kiểm tra ở vòng 2. Trong danh sách, đa số các học sinh đạt điểm 10 ở hầu hết các bài kiểm tra định kỳ cuối năm, một số ít học sinh có từ một đến ba điểm 9. Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh cho bốn lớp 6 với 180 học sinh. Năm học trước, đã có 933 học sinh tham gia kiểm tra đánh giá năng lực (vòng 2). Theo lịch tuyển sinh của nhà trường, vào ngày 24/7, các thí sinh qua vòng sơ tuyển sẽ tiếp tục tham dự vòng kiểm tra đánh giá năng lực với ba bài kiểm tra các môn: Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. Liên quan tới công tác tuyển sinh, theo kế hoạch tuyển sinh do Sở GD&ĐT quy định, từ nay tới ngày 31/7, các trường THPT ngoài công lập nhận đơn đăng ký dự tuyển lớp 10 năm học 2020- 2021. Học sinh có nguyện vọng dự tuyển nộp đơn trực tiếp tại trường, hạn cuối vào ngày 31/7/2020. Học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học từ ngày 1/8 đến ngày 15/8/2020. Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020- 2021 của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường THPT công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập có thể lựa chọn phương án tuyển sinh. Phương án 1 là xét tuyển căn cứ vào kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở tổ chức. Phương án 2 là xét tuyển học bạ cấp THCS. Theo thống kê, 12 trường xét tuyển dựa trên kết quả thi, 91 trường sẽ chỉ xét tuyển bằng học bạ và hai trường sử dụng kết hợp hai phương thức. Ngoài ra, một số trường công lập tự chủ tài chính có số lượng thí sinh ứng tuyển đông vẫn tổ chức thi tuyển riêng, như THPT Nguyễn Tất Thành. Như vậy, có 80% số trường trong tổng số 105 trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố chọn phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả rèn luyện, học tập cấp trung học cơ sở của học sinh. |