(CMO) Nhằm chuẩn bị các nội dung trình Kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh, ngày 18/11 Ban pháp chế HĐND tỉnh tổ chức hội nghị thẩm tra tờ trình dự thảo nghị quyết HĐND và các báo cáo. Theo đó, trong 2 ngày (18 và 19/11) Ban pháp chế sẽ tiến hành thẩm tra 4 tờ trình và 8 báo cáo của UBND tỉnh, Toà án, Viện kiểm sát Nhân dân, Cục thi hành án,…Trong sáng ngày 18/11, hội nghị tiến hành thẩm tra Tờ trình về việc thông qua Nghị quyết quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn và một số chế độ, chính sách đối với dân quân trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Tờ trình về việc thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho người được phân công trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Tờ trình về việc giao biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Cà Mau năm 2021 và Tờ trình về việc Ban hành Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là Tờ trình về việc giao biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh năm 2021 và Tờ trình về việc Ban hành Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập ấp, khóm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Năm 2021, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh được Bộ Nội vụ giao là 2.025 biên chế, giảm 29 biên chế so với năm 2020. Theo đó, dự kiến năm 2021 giao tổng biên chế trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh, như sau: Biên chế cấp tỉnh là 1.093 biên chế; Biên chế cấp huyện là 932 biên chế. Bên cạnh đó, tình hình diễn biến biên chế năm 2021 so năm 2020 đã giảm 25 biên chế của các cơ quan, tổ chức hành chính cấp tỉnh, cấp huyện theo Đề án vị trí việc làm của tỉnh và 20 biên chế từ nguồn dự phòng của năm 2020. Ban pháp chế HĐND tỉnh hội nghị thẩm tra nhiều văn bản quan trọng Theo ông Huỳnh Ngọc Sang, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, số lượng biên chế của tỉnh năm 2021 dựa trên phê duyệt của Bộ Nội vụ, kết luận của Hội đồng thẩm định Đề án vị trí việc làm tỉnh, tức giảm theo lộ trình đăng ký của các cơ quan, đơn vị và đã được tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị. Từ đó, đối với biến chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là tương đối ổn định. Đối với Tờ trình về việc Ban hành Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập ấp, khóm trên địa bàn tỉnh cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Hiện nay toàn tỉnh có 949 ấp, khóm (810 ấp và 139 khóm). Căn cứ vào điều kiện sáp nhập ấp, khóm như ấp dưới 175 hộ gia đình, khóm dưới 200 hộ gia đình) và trên cơ sở thực trạng quy mô hộ gia đình của ấp, khóm trên địa bàn tỉnh, thì cần phải thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập. Từ quy định đó và qua rà soát thực tế thì trên địa bàn tỉnh có 162 ấp, khóm (140 ấp, 22 khóm) thuộc diện phải thực hiện sáp nhập. Theo phương án của UBND các huyện, thành phố Cà Mau, đề xuất sáp nhập tổng số là 126 ấp, khóm (105 ấp, 21 khóm). Trong đó, thực hiện sắp xếp, sáp nhập đối với 119/162 ấp, khóm (101 ấp, 18 khóm) thuộc diện phải thực hiện sáp nhập và 7 ấp, khóm (4 ấp, 3 khóm) không thuộc diện bắt buộc phải sáp nhập theo quy định. Đề xuất chưa thực hiện sáp nhập đối với 43/162 ấp, khóm thuộc diện phải thực hiện sáp nhập theo quy định. Dự kiến tổng số ấp, khóm giảm sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập theo phương án của UBND cấp huyện nêu trên là 86 ấp, khóm (71 ấp, 15 khóm). Theo đó, tổng số ấp, khóm của tỉnh sau khi sắp xếp, sáp nhập theo phương án của UBND cấp huyện là 863 ấp, khóm (739 ấp, 124 khóm). Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của UBND cấp huyện và ý kiến thẩm định của Sở Nội vụ, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập đối với 97 ấp, khóm (79 ấp, 18 khóm) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng số ấp, khóm sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập là 880 ấp, khóm (754 ấp, 126 khóm); giảm 69 ấp, khóm (56 ấp, 13 khóm). Ngoài ra, trong thời gian còn lại trong chương trình, Ban pháp chế HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra 8 báo cáo của UBND tỉnh, Toà án, Viện kiểm sát Nhân dân, Cục thi hành án,… Theo đó, có nhiều báo cáo quan trọng như: Báo cáo về tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; Báo cáo về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát về kết quả công tác kiểm sát năm 2020 và các nhiệm vụ trọng tâm 2021; Báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh về công tác toàn án năm 2020 và các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021./. Nguyễn Phú |