Nhân lực,a dlich thi bd hom nay máy móc thiếu và yếu
Tuổi ngoài 60, thế nhưng bà Điểu Thị Hương, cộng tác viên dân số thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp vẫn đều đặn đến từng nhà dân để thu thập thông tin, cập nhật biến động dân số, biến động sinh, tử, đi đến, biến động kết hôn, ly hôn cũng như hướng dẫn người dân sử dụng biện pháp tránh thai an toàn… Bà Hương làm công việc này đã nhiều năm, mọi thông tin, số liệu đều ghi chép tay sau đó báo cáo cán bộ phụ trách dân số của xã hằng tháng.
Dữ liệu liên thông các cấp sẽ tạo điều kiện kết nối dữ liệu trong toàn tỉnh, hướng đến số hóa dữ liệu dân cư. Trong ảnh: Cán bộ Khoa Chăm sóc sức khỏe, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tư vấn sức khỏe cho người dân
Không riêng bà Hương, 114 cộng tác viên dân số đa phần đều đã lớn tuổi ở 52 thôn, ấp, khu dân cư của huyện Bù Đốp đều đang làm công việc tương tự hoàn toàn thủ công. Việc thu thập thông tin, dữ liệu DS-KHHGĐ không có bất kỳ thiết bị công nghệ nào hỗ trợ nên gặp rất nhiều khó khăn, vì Bù Đốp địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp cho biết: Mặc dù đang sử dụng phần mềm quản lý dân số, số liệu thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến huyện, thế nhưng khó khăn hiện nay là toàn huyện Bù Đốp chỉ được trang bị 1 máy vi tính phục vụ việc nhập liệu, lưu trữ dữ liệu dân số toàn huyện. Hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ thu thập, quản lý dân số được trang bị từ năm 2012 đến nay đã xuống cấp, không có kinh phí bảo trì, sửa chữa. Sổ sách theo dõi cấp cho đội ngũ cộng tác viên đã hết hạn nhưng vẫn chưa được đổi sổ mới.
Không riêng huyện Bù Đốp mà tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Tại Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, ngoài phần mềm dùng chung quản lý thông tin chuyên ngành dân số do Tổng cục Dân số triển khai từ năm 2004 đến nay, ngành dân số của tỉnh chưa triển khai được thêm ứng dụng hay phần mềm riêng biệt nào.
Khó khăn hiện nay là toàn huyện Bù Đốp chỉ được trang bị 1 máy vi tính phục vụ việc nhập liệu, lưu trữ dữ liệu dân số toàn huyện. 7 xã, thị trấn chưa được trang bị máy vi tính và đang thực hiện ghi chép thủ công, hằng tháng cán bộ phụ trách công tác dân số phải nhập liệu vào máy chủ đặt tại huyện. Điều này đang gây rất nhiều bất cập, khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân số ở cơ sở. |
Bà NGUYỄN THỊ THÙY DƯƠNG, Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp |
Ông Lê Đức Lâm, chuyên viên Phòng Tổ chức - Hành chính, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thừa nhận: “Nguồn nhân lực thiếu và yếu, cộng với hệ thống máy móc chưa đồng bộ đang gây khó khăn rất lớn trong việc chia sẻ dữ liệu trực tuyến giữa các sở, ngành và với các địa phương trong tỉnh”.
Phát huy hiệu quả kho dữ liệu điện tử
Thống kê dân số toàn tỉnh hiện có 1.038.000 người. Việc triển khai phần mềm quản lý thông tin chuyên ngành dân số MIS thống nhất lưu trữ dữ liệu 3 cấp Trung ương, tỉnh và huyện, giảm tải rất nhiều công việc cho đội ngũ nhân viên dân số, phục vụ nhu cầu quản lý và điều hành trong công tác DS-KHHGĐ nói riêng và công tác y tế, xã hội của tỉnh nói chung. Hiệu quả rõ nhất mà phần mềm này mang lại đó là tại hệ thống thông tin của kho dữ liệu điện tử, chỉ cần thao tác đơn giản trên máy tính, không mất nhiều thời gian ghi chép và làm báo cáo thủ công như trước đây. Vì vậy, nếu được triển khai đồng bộ đến tuyến xã công cụ này sẽ giúp cập nhật dữ liệu thường xuyên, liên tục, phát huy hiệu quả kho dữ liệu điện tử.
Tại Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, nguồn nhân lực thiếu và yếu, cộng với hệ thống máy móc chưa đồng bộ đang gây khó khăn rất lớn trong việc chia sẻ dữ liệu trực tuyến
Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nhấn mạnh: “Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Những thông tin, số liệu dân số cập nhật được truyền tải vào kho dữ liệu dùng chung là cơ sở để lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và địa phương căn cứ để xây dựng các kế hoạch và dự báo về tình hình dân số, điều chỉnh mức tăng, giảm chỉ tiêu dân số hằng năm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, dữ liệu liên thông các cấp sẽ tạo điều kiện kết nối dữ liệu trong toàn tỉnh, hướng đến số hóa dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, hệ thống máy móc chưa đồng bộ đang gây ra rất nhiều rào cản trong việc triển khai các kế hoạch từ tỉnh đưa xuống”.
Việc xây dựng và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số theo hướng số hóa là yêu cầu cấp thiết hiện nay và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Để không bị “bỏ lại phía sau”, ngành dân số đang rất cần sự quan tâm bố trí kinh phí và đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc từ tỉnh đến xã để phát huy hiệu quả việc kết nối liên thông dữ liệu toàn tỉnh.
Số hóa lĩnh vực dân số không chỉ giúp địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, khoa học mà còn thuận lợi cho việc truy cập hệ thống các thông tin. Việc dự báo dân số chính xác cũng sẽ góp phần phục vụ xây dựng và thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương một cách toàn diện. |