Về kiến nghị của cử tri cho rằng, hiện nay tỷ lệ thu thuế của nước ta đang cao nhất châu Á (tỷ lệ thu thuế trên GDP của Việt Nam hiện nay chiếm 20,3%). Cử tri đề nghị cần phải sửa đổi luật thuế sớm để thúc đẩy thị trường Việt Nam cạnh tranh hơn và thúc đẩy giải phóng được lực lượng kinh doanh của cả nước. Bộ Tài chính đã có trả lời chính thức về vấn đề này. Tỷ lệ thu nội địa ổn định Về tỷ lệ thu thuế ở Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, việc tính toán tổng số thu ngân sách ở Việt Nam và thông lệ quốc tế còn có sự khác nhau khá lớn. Ví dụ như theo thông lệ quốc tế, ở nhiều nước số thu ngân sách được tổng hợp và công bố thường chỉ là số thu của ngân sách Chính phủ (ngân sách Trung ương), trong khi ở Việt Nam tổng số thu ngân sách Nhà nước (NSNN) để xác định tỷ lệ động viên bao gồm nguồn thu của cả 4 cấp ngân sách (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Ngoài ra, thu ngân sách của Việt Nam bao gồm cả thu từ bán dầu thô, thu từ quyền sử dụng đất, thu từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, thu từ hoạt động XNK, trong khi ở các nước chủ yếu là thu từ các sắc thuế nội địa. Ở các nước nguồn thu phí từ hoạt động sự nghiệp công không được tổng hợp vào thu ngân sách Trung ương, trong khi ở Việt Nam, Nhà nước còn đảm nhiệm việc cung cấp nhiều dịch vụ công và nguồn thu cũng được tổng hợp vào NSNN. Từ những khác biệt trên, theo Bộ Tài chính, nếu tính riêng khoản thu thuế từ hoạt động kinh tế trong nước (thu nội địa trừ thu tiền sử dụng đất và thu bán nhà sở hữu Nhà nước) thì tỷ lệ thu nội địa của Việt Nam so với GDP trong vòng 20 năm qua là tương đối ổn định, khoảng 12-14% GDP. Tỷ lệ này so với các nước trong khu vực là ở mức thấp (theo báo cáo của Ngân hàng phát triển châu Á- ASIAN Development Outlook thì tỷ lệ thu ngân sách Trung ương/GDP giai đoạn 2006-2010 của Malaysia đạt 21,9% GDP, Indonesia 17,5% GDP, Thái Lan 16,9% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) 20,3% GDP...). Tỷ lệ động viên thuế có xu hướng giảm dần Bên cạnh đó, tỷ lệ động viên trong từng sắc thuế ở Việt Nam cũng có xu hướng giảm dần. Ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): thực hiện điều chỉnh giảm thuế suất thuế TNDN từ mức 32% xuống 28% từ năm 2004 và xuống còn 25% kể từ năm 2009. Về thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), trước đây, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao áp dụng biểu thuế luỹ tiến từng phần với mức thuế suất thấp nhất là 10%, cao nhất tới 60%, từ 1-7-2004 hạ xuống còn 40%. Kể từ 1-1-2009, Luật Thuế TNCN đã điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNCN trong Biểu thuế luỹ tiến từng phần (mức thuế suất thấp nhất là 5% và cao nhất là 35%), đồng thời thu nhập trước khi tính thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần đã được tính các khoản giảm trừ gia cảnh (cho bản thân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc được trừ là 1,6 triệu đồng/tháng) và giảm trừ các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc theo quy định của pháp luật. Về thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hàng năm Việt Nam thực hiện cắt giảm hàng nghìn dòng thuế nhập khẩu để thực hiện cam kết quốc tế. Đối với các khoản thu đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Bộ Tài chính cho biết, đã thực hiện miễn giảm nhiều khoản thu như miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền từ năm 2003 đến hết năm 2020, miễn thu thuỷ lợi phí. Về phí, lệ phí, từ năm 2003 đã rà soát tổng thể các khoản phí, lệ phí, qua đó thực hiện bãi bỏ trên 340 khoản thu phí, lệ phí, các khoản huy động đóng góp của dân, giảm bớt gánh nặng cho DN và người dân mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Điều chỉnh chính sách thu hợp lý Theo phân tích của Bộ Tài chính, sở dĩ kết quả thu ngân sách thời gian qua có xu hướng tích cực là do sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sự phát triển tiềm lực tài chính của DN, dân cư, qua đó mở rộng cơ sở thu và tăng thu ngân sách. Mặc dù trên thực tế giai đoạn này vẫn tiếp tục điều chỉnh chính sách thu để khuyến khích đầu tư, khuyến khích sản xuất- kinh doanh (thuế suất thuế TNDN điều chỉnh giảm, cùng với cải cách chính sách thuế, cơ chế quản lý thu cũng được hoàn thiện với việc ban hành Luật Quản lý thuế; việc cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã được triển khai tích cực. Bên cạnh đó, có yếu tố biến động tăng giá, tăng thu từ nguồn tài nguyên đất đai, tăng thu do thay đổi cơ chế, chính sách thu... Về định hướng huy động nguồn thu cho NSNN trong giai đoạn tới, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17-5-2011) đã xác định mục tiêu là thực hiện mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, trong đó giai đoạn 2011-2015 duy trì tỷ lệ huy động thu NSNN khoảng 23-24%GDP (tỷ lệ động viên từ thuế và phí, lệ phí khoảng 22-23%GDP) và giai đoạn 2016-2020, thực hiện duy trì tỷ lệ huy động thu NSNN và tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí trên GDP ở mức hợp lý theo hướng giảm mức động viên về thuế trên một đơn vị hàng hoá, dịch vụ để khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.
Minh Anh |