Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm, chiếm 57% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (tăng 14,2%) và Đài Loan (tăng 12,6%). Về chủng loại xuất khẩu, trong 9 tháng đầu năm, tôm các loại chiếm 38,9% tổng kim ngạch; cá tra chiếm 23,4%; cá ngừ chiếm 8,7%... Phân tích khá sâu về mặt hàng cá tra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ: Thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra là Trung Quốc (28,7%), Hoa Kỳ (14,3%) và Mexico (4,8%). Trong nước, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 10 tiếp tục xu hướng giảm do tốc độ cung tăng nhanh hơn cầu. Giá bán buôn dao động trong khoảng 20.000-20.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (800-900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại dao động 19.000-19.500 đồng/kg, mức giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước. Các công ty chủ yếu ưu tiên thu hoạch cá trong vùng nuôi của doanh nghiệp và thu mua theo hợp đồng liên kết với các hộ nuôi cá. Đáng chú ý, dẫn dự báo của các chuyên gia tại Hội nghị Triển vọng toàn cầu cho các Lãnh đạo Nuôi trồng thuỷ sản năm 2018 (GOAL 2018), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhấn mạnh: Sản lượng cá tra của Ấn Độ sẽ tăng 8%, lên 630.000 tấn vào năm 2020. Do đó, trong tương lai, ngành cá tra Việt Nam có thể sẽ gặp thêm một đối thủ cạnh tranh mới. Trong nhiều năm gần đây, nuôi cá tra đang dần trở thành một phần quan trọng của ngành nuôi trồng thủy sản Ấn Độ. Nguyên nhân chính là do thị hiếu tiêu dùng của người Ấn Độ đang trở nên ưa chuộng sản phẩm cá tra sau khi thưởng thức sản phẩm này được nhập khẩu từ Việt Nam. Cá tra của Ấn Độ được sản xuất chủ yếu ở bang Andhra Pradesh (60% sản lượng năm 2018), tuy nhiên đang mở rộng thêm sang các bang phía bắc khác như Bihar, Tripura, Uttar Pradesh và West Bengal. Sản lượng tăng mạnh có thể khuyến khích các nhà sản xuất Ấn Độ xây dựng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Suốt từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cả xuống thấp. Đánh giá xung quanh câu chuyện xuất khẩu cá tra của Việt Nam ngày càng đối diện sự cạnh tranh khốc liệt, ông Dương Nghĩa Quốc-Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng: Trung Quốc, Ấn Độ đều đầu tư công nghệ cao để chủ động nuôi cá tra. Cùng với đó, tiêu chuẩn nhập khẩu cá tra của Trung Quốc đến nay đã không khác tiêu chuẩn của Mỹ hay EU là mấy. “Kế hoạch “nội địa hóa” cá tra của Trung Quốc đang được Chính phủ nước này khuyến khích và đầu tư. Vì vậy, dù từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc - Hồng Kông (Trung Quốc) dự báo vẫn tăng trưởng nhưng sẽ không đạt được con số như kỳ vọng”, ông Quốc nhận định. Vị Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam bày tỏ quan điểm: Trong bối cảnh sự cạnh tranh trên thị trường cá tra ngày càng khốc liệt, để phát triển ổn định, giữ vững thị trường, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp tốt, không chạy theo sản lượng mà nâng cao chất lượng; tăng cường liên kết hỗ trợ nhau cùng phát triển tránh cảnh cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”… Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng: Nuôi trồng cá tra cần theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt. Ngoài ra, mấu chốt vẫn là đẩy mạnh nuôi trồng có sự liên kết chặt chẽ theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. |