TheịtrườngchứngkhoánCácthayđổiđượcMSCIghinhậnđãlàyếutốtíchcựcúp fa bahraino đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
PV: Thưa ông, MSCI vừa công bố kết quả phân loại thị trường kỳ dành cho 84 thị trường. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả này đối với TTCK Việt Nam?
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Từ những báo cáo đầu năm chúng tôi đã cho rằng, việc được cho vào danh sách xem xét cũng là một khó khăn đối với Việt Nam và không có nhiều kỳ vọng trong lần công bố kết quả kỳ này. Thực tế, MSCI đã giữ nguyên xếp hạng với Việt Nam ở tất cả các tiêu chuẩn định tính và chưa đưa TTCK Việt Nam vào danh sách xem xét.
Trong những đánh giá chi tiết, có một điểm MSCI ghi nhận có sự thay đổi theo hướng tích cực đối với Việt Nam đó là mục “Khả năng chuyển nhượng” (nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cần tiếp tục cải thiện). Một điểm MSCI đánh giá có phần tiêu cực hơn so với kỳ đánh giá năm 2016, đó là mục “Quyền bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN)”. Theo đó ngoài việc giữ nguyên nhận xét giống 2016, MSCI đưa ra thêm quan điểm cho rằng “quyền lợi của NĐTNN bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng NĐT nói riêng”.
|
PV: Theo ông, tại sao MSCI lại có đánh giá về tỷ lệ sở hữu nước ngoài như vậy?
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Như chúng tôi đã đề cập trong nhiều báo cáo trước đây, giới hạn sở hữu nước ngoài và vấn đề hạn chế quyền của NĐT là mối quan tâm của MSCI khi đánh giá thị trường. Thực tế đã 2 năm trôi qua kể từ khi Nghị định 60 cho phép nới room cho NĐTNN lên 100%, mới có 19 doanh nghiệp được nới room - đây là con số rất nhỏ so với hơn 700 cổ phiếu niêm yết.
Cùng với đó, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng được NĐTNN kỳ vọng và cần được quan tâm hơn. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền bình đẳng về thông tin đối với NĐTNN, giúp các quỹ đầu tư ngoại tiếp cận thị trường dễ dàng hơn và có những đánh giá xác thực hơn trong quá trình đầu tư.
Bên cạnh đó, vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối là một trở ngại lớn và không thể đạt được trong một thời gian ngắn. Theo tôi, đây là trở ngại chính yếu với nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, những vấn đề nêu trên dù chưa thể giải quyết ngay, nhưng có thể được cải thiện dần với sự hợp tác và nỗ lực của các cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường. MSCI sẽ ghi nhận những cải thiện đáng kể mà họ quan sát được, đồng thời hỗ trợ tư vấn về những thay đổi cần thiết.
Ngoài ra. TTCK phái sinh sắp được ra mắt trong thời gian tới đây cũng được kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện hơn TTCK Việt Nam, cung cấp cho NĐT thêm nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như đầu tư sinh lời và tác động tích cực tới quá trình đánh giá nâng hạng.
PV: Theo công bố của MSCI lần này, họ đã quyết định đưa nhóm cổ phiếu China A của Trung Quốc vào thị trường mới nổi. Theo góc nhìn của ông, đâu là điểm mấu chốt giúp nhóm cổ phiếu này được nâng hạng?
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Căn cứ vào các tiêu chí đánh giá giữa thời điểm 2016 và 2017, có thể thấy, điểm mấu chốt giúp China A được nâng hạng là “Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối”. Tín hiệu có thể thấy trước đó là đồng CNY được IMF công nhận là một đồng tiền trong rổ SDR vào tháng 9/2016.
Tôi nghĩ rằng, đồng VND gần như không thể được IMF cho vào rổ SDR, nhưng nếu thị trường ngoại hối thực sự thông thoáng hơn, chắc chắn MSCI sẽ thay đổi quan điểm với Việt Nam.
PV: Không thể phủ nhận việc MSCI chưa đưa TTCK Việt Nam vào danh sách được xem xét là một thông tin kém vui. Tuy nhiên, thực tế điều này là không bất ngờ bởi nâng hạng thị trường là một quá trình dài, do đó không ảnh hướng nhiều tới thị trường hiện tại. Ông bình luận gì về điều này? Đâu là trợ lực chính để cho rằng TTCK Việt Nam vẫn hấp dẫn?
- Ông Nguyễn Đức Hùng Linh:Việc được nâng hạng có thể coi là kết quả cuối cùng của chặng đường vượt qua các trở ngại để thỏa mãn các tiêu chí của MSCI. Trên chặng đường đó, luôn có những dấu mốc quan trọng, biểu hiện của nó là sự ghi nhận từ phía MSCI trong các đợt đánh giá hàng năm. Tôi cho rằng không phải chờ đến thời điểm Việt Nam được nâng hạng, mà việc MSCI ghi nhận các thay đổi tích cực đã là những yếu tố thúc đẩy thị trường. NĐTNN rất nhạy với những thay đổi này và họ thường có xu hướng vào Việt Nam sớm hơn để tận dụng cơ hội và mua được tài sản với giá rẻ.
Trong thời gian qua, sự quan tâm của NĐT trong nước đến vấn đề nâng hạng cũng tăng lên rất nhiều. Những động thái từ phía cơ quan quản lý nhằm xây dựng một lộ trình rõ ràng để nâng hạng thị trường chắc chắn sẽ được đón nhận tích cực từ phía thị trường. Đây cũng là một giải pháp nhằm củng cố niềm tin của giới đầu tư. Tóm lại, dù chặng đường nâng hạng còn dài nhưng thị trường sẽ luôn chào đón và hoan nghênh các nỗ lực và thiện chí nâng hạng từ nhà quản lý hay các thành viên thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chu Thái