Kiểm soát và thanh toán nhanh các nguồn chi ngân sách Theo KBNN, hiện các khoản chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã được kiểm soát theo ngưỡng. Cụ thể, KBNN thực hiện kiểm soát các khoản chi có hợp đồng và có giá trị hợp đồng hơn 50 triệu đồng; thực hiện kiểm soát nội dung chi đối với những khoản chi dưới ngưỡng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, KBNN đã tích cực áp dụng phương thức “hậu kiểm”, tức là thực hiện thanh toán trước, kiểm soát sau với từng lần thanh toán của các khoản chi thường xuyên có hợp đồng thanh toán nhiều lần, trừ lần thanh toán cuối cùng. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ, KBNN làm thủ tục thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trong thời hạn 1 ngày làm việc, sau đó thực hiện kiểm soát hồ sơ theo chế độ quy định cũng trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán. Nếu phát hiện khoản chi không đảm bảo đúng chế độ quy định, KBNN gửi văn bản thông báo kết quả kiểm soát tới đơn vị giao dịch, sau đó xử lý thu hồi giảm trừ giá trị thanh toán vào lần thanh toán tiếp theo. Nếu lần thanh toán kế tiếp không đủ khối lượng hoàn thành hoặc dự toán để giảm trừ thì thực hiện thu hồi giảm NSNN (trường hợp chưa quyết toán ngân sách) hoặc thu hồi nộp NSNN (trường hợp đã quyết toán ngân sách). Ngoài ra, phương thức “hậu kiểm” còn được áp dụng đối với các khoản tạm ứng, các khoản chi đầu tư có hợp đồng và thực hiện thanh toán cho từng lần giải ngân của hợp đồng thanh toán nhiều lần cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang phương thức “tiền kiểm” cho các lần giải ngân còn lại. Thời hạn kiểm soát, thanh toán là 1 ngày làm việc kể từ khi KBNN nhận đủ hồ sơ theo quy định. Theo đánh giá từ KBNN, việc thực hiện hậu kiểm trong kiểm soát chi (KSC) đã giúp giảm thời gian kiểm soát, thanh toán các khoản chi qua KBNN, đặc biệt là các khoản chi đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, giúp công chức kiểm soát chi giảm bớt áp lực về thời gian, nhất là tại các đơn vị KBNN cấp huyện vừa phải kiểm soát chi thường xuyên, vừa phải kiểm soát chi đầu tư vào thời điểm cuối quý, cuối năm. Đặc biệt, với việc linh hoạt áp dụng 2 phương thức thanh toán “hậu kiểm” và “tiền kiểm” thời gian qua đã giúp KBNN giảm được 70% tổng số món chi, nhưng vẫn kiểm soát được 99% tổng giá trị chi NSNN. Tiếp tục đổi mới công tác kiểm soát chi Báo cáo từ KBNN, để có kết quả này, thời gian qua, KBNN đã tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách như: xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác KSC để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc “hậu kiểm” trong chi NSNN; bổ sung quy định việc gửi, nhận và trả kết quả KSC NSNN qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, KBNN đã tăng cường nhiều khâu nghiệp vụ trên các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; triển khai liên thông dữ liệu số và từng bước khép kín quy trình KSC, thanh toán từ đơn vị sử dụng ngân sách qua các hệ thống của KBNN và hệ thống ngân hàng… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác KSC thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: chưa có sự kết nối liên thông dữ liệu về kế hoạch vốn hàng năm, trung hạn giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; một số hồ sơ thanh toán của các dự án đầu tư công có dung lượng lớn nên không thể scan để gửi qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN nên đã gây khó khăn cho KBNN trong việc thực hiện quy trình KSC điện tử... Khắc phục tình trạng này và để phát huy hiệu quả của phương thức thanh toán “hậu kiểm”, trong thời gian tới đây, KBNN tiếp tục đổi mới phương thức KSC NSNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, theo KBNN, thời gian tới đây, đơn vị tiếp tục số hóa công tác KSC trên cơ sở liên thông dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin của KBNN và các đơn vị liên quan; trong đó cần có sự kết nối, trao đổi dữ liệu thực kế hoạch vốn trung hạn và kế hoạch vốn hàng năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, trên hệ thống Tabmis, các bộ - đơn vị dự toán cấp 1 nhập số liệu, cơ quan tài chính phê duyệt đối với các khoản chi thường xuyên; trao đổi dữ liệu điện tử về đấu thầu, hợp đồng điện tử, danh sách nhà cung cấp, liên thông dữ liệu về hóa đơn của Tổng cục Thuế; liên thông với hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trao đổi thông tin quản lý dự án đầu tư công… Tuy nhiên, để làm được điều này thì con người là yếu tố quan trọng nhất. Do đó, KBNN cũng đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện đào tạo các lớp nghiệp vụ KSC và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác KSC cho đội ngũ công chức làm KSC trong toàn hệ thống.
|