Ngành hàng xuất khẩu chủ lực Bình Dương là một trong những trung tâm lớn nhất của ngành công nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam, được mệnh danh là “thủ phủ” của ngành này. Theo số liệu từ Cục Thống kê Bình Dương, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại Bình Dương đã có bước đột phá mạnh mẽ. Trong 10 tháng năm 2024, mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ dẫn đầu tỉnh về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5,4 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, hiện Bình Dương có hơn 1.200 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó, có hơn 300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất của tỉnh Bình Dương. Bình Dương đã và đang tiếp tục tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ, nội thất tạo dựng môi trường phát triển bền vững. Các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Dương không chỉ tập trung vào thị trường nội địa mà còn mở rộng mạnh mẽ ra các thị trường quốc tế quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Canada, Hàn Quốc. Nhờ đầu tư vào công nghệ hiện đại và sản xuất bền vững, ngành chế biến gỗ của tỉnh đã được đánh giá cao về tính đa dạng sản phẩm và khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đáng chú ý, thị trường Hoa Kỳ đang có nhiều tín hiệu khả quan, hứa hẹn sẽ mang lại sự khởi sắc cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng tới. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực gỗ, chiếm hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả tỉnh Bình Dương. Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ phát đi thông điệp ngừng tăng lãi suất và có kế hoạch xem xét giảm lãi suất trong năm 2024, cùng với tình trạng hàng tồn kho đang dần cải thiện và doanh số bán nhà đã qua sở hữu tại Hoa Kỳ tăng lên, đều là những tín hiệu tích cực cho thị trường xuất khẩu đồ nội thất. Theo ông Nguyễn Liêm, những yếu tố này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm gỗ, tiếp cận và phát triển tại thị trường Hoa Kỳ. Hỗ trợ mở rộng thị trường Bên cạnh các thị trường lớn, xuất khẩu sang những thị trường tiềm năng cũng đạt kết quả tích cực, trong đó Ấn Độ là một điểm sáng đáng chú ý. Ông Cao Văn Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia cho biết, Ấn Độ đang nổi lên như một thị trường đầy hứa hẹn cho đồ gỗ và nội thất xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị giao dịch tăng trưởng đáng kể trong hai năm qua. Hiện tại, Ấn Độ có tổng quy mô thị trường đồ nội thất lên đến 41 tỷ USD, là quốc gia tiêu thụ nội thất lớn thứ tư thế giới. Để mở rộng thị trường, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Bình Dương đã không ngừng đầu tư vào thương mại điện tử, kết hợp giữa phương thức bán hàng truyền thống và trực tuyến. Cách tiếp cận này giúp tăng cường tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới tại các quốc gia phát triển. Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng ra thị trường quốc tế, Bình Dương đã nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cảng và kho bãi, nhằm giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp. Các tuyến đường kết nối từ Bình Dương đến các cảng biển đã được nâng cấp đáng kể, giúp việc vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện và tiết kiệm thời gian hơn. Những cải tiến này không chỉ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mà còn tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm địa phương trên thị trường quốc tế. Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, dự báo trong thời gian tới những khó khăn vẫn còn nhiều bởi tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường. Xung đột địa chính trị, tác động giá cước vận tải biển tăng cao dẫn đến giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng, khiến giá thành sản phẩm đầu ra tăng. Ông Huỳnh Quang Thanh ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Hiệp Long cho biết, mới đây Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR) 12 thàng thay vì dự kiến sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2025. Như vậy, các nhà xuất nhập khẩu và thương nhân khi giao thương với thị trường EU, sẽ phải tuân thủ Quy định này từ ngày 30/12/2025. Theo Quy định EUDR kèm theo luật cấm nhập khẩu vào EU những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất gây suy giảm diện tích rừng, nhằm ngăn chặn các sản phẩm liên quan đến phá rừng hoặc suy thoái rừng xâm nhập thị trường EU. Đồng thời, EUDR cũng khuyến khích mua bán các sản phẩm hợp pháp và thân thiện với môi trường. Một trong những điểm đáng chú ý nhất của EUDR là yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp bản cam kết thẩm định chuỗi cung ứng. Đây được coi như “hộ chiếu" để sản phẩm được phép lưu thông tự do tại thị trường EU. Tuy nhiên, theo ông Thanh, quá trình hoàn thiện bản cam kết này đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy trình phức tạp và tốn kém, làm tăng áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu muốn tiếp cận thị trường EU. |