Nhiều lựa chọn Công nghệ phát triển,ôngdễsốngkhỏatalanta hôm nay nhu cầu thưởng thức ngày càng cao, chỉ với vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, bạn có thể tạo cho mình một đĩa nhạc cá nhân làm kỷ niệm nhân sự kiện đáng nhớ của bản thân, gia đình. Ở Thái Thịnh Entertainment trên đường Hà Huy Tập (TP Huế), chủ nhân phòng thu luôn gặp những khách hàng đến thu ngâm thơ, làm đĩa nhân sinh nhật, cô dâu chú rể hát trong đám cưới…
Với những bạn trẻ đam mê ca hát và có chút am hiểu về công nghệ, họ sẵn sàng đầu tư vài triệu đồng lập phòng thu tự tạo, thỏa giấc mơ làm ca sĩ. Đăng Khoa, sinh viên Học viện âm nhạc cùng nhóm bạn mỗi khi sáng tác được ca khúc mới đều đưa lên mạng cộng đồng. Việt Pháp, người phụ trách khâu “sản xuất” tiết lộ: “Chỉ cần tải một phần mềm thu âm đơn giản trên internet, sắm thêm micro, mixer (hệ thống trộn âm thanh), popfilter (loại tiếng tạp âm khi hát), sound card (card âm thanh) là có thể tự thu được ca khúc. Hiện nay, nhiều dân chơi nhạc Rap, R&B… trở thành những nghệ sĩ thực thụ trên sân khấu nhờ việc tự thu ca khúc và tải lên các trang mạng”. Khoảng mười lăm năm về trước, việc thu âm ca khúc ở Huế còn khó khăn thì nay, các phòng thu âm (studio) tư nhân lẫn đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Nhạc sĩ có ca khúc mới sẽ có nhiều lựa chọn để hoàn thiện đứa con tinh thần của mình. Giá thu một ca khúc ở Huế hiện nay chỉ bằng 1/3 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, việc hòa âm, phối khí còn tùy thuộc năng lực, gu của mỗi người nên chọn mặt gửi vàng là điều rất quan trọng”, nhạc sĩ (NS) Tịnh Mỹ chia sẻ.
Theo đánh giá của N.S Nguyễn Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc tỉnh, hệ thống phòng thu ở Huế đáp ứng được yêu cầu của lực lượng sáng tác, nhưng nhìn toàn diện thì chưa thể bằng Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh. Ở góc nhìn khác, NS Lê Chí Quốc Anh cho rằng, các phòng thu rất ý nghĩa trong việc hỗ trợ ca sĩ tham gia các hoạt động, cuộc thi âm nhạc, liên hoan, festival... Chủ nhân phòng thu Thái Thịnh cũng thừa nhận điều này. Studio của anh phục vụ một vài phong trào âm nhạc địa phương và là lựa chọn của một số tên tuổi làng giải trí Việt khi họ tham gia một vài sự kiện ở Huế. Chi phí thấp, khó tái đầu tư Đánh giá một phòng thu dựa trên hai tiêu chí: trang thiết bị đạt chuẩn và con người. Mức độ hiện đại của các trang thiết bị tùy thuộc vào khả năng tài chính nhưng về kỹ năng, hầu hết, chủ nhân của các studio đều mày mò tự học, tìm kiếm trên mạng, cập nhật kiến thức và chia sẻ từ các đồng nghiệp đi trước do Việt Nam chưa có ngành đào tạo về lĩnh vực này. Tùy vào năng khiếu, có người được giới chuyên môn đánh giá cao về khả năng chỉnh sound, mix ca khúc nên nhận được đơn hàng một số sự kiện các nơi trong nước… Hiện, giá thu một ca khúc dao động từ 400 - 700 nghìn đồng (chưa tính hòa âm phối khí và thù lao cho người hát). Khách hàng thường xuyên đến studio là các ca sĩ hát sự kiện và nhạc sĩ. Ca sĩ trẻ M. thừa nhận: “Cát-sê ca sĩ chuyên nghiệp ở Huế chỉ 300-500 nghìn/ bài nên em đến phòng thu chủ yếu là đánh nhạc nền sẵn có trên mạng và thể hiện ca khúc mới theo yêu cầu của nhạc sĩ. Một N.S lớn tuổi nhẩm tính: thu một bài hát mới trọn gói 2,2 - 2,5 triệu đồng. Với mức thu nhập hiện nay, không phải ai cũng mạnh dạn đầu tư cho đứa con tinh thần của mình một cách bài bản nếu đó không phải là tác phẩm ưng ý, tham gia các cuộc thi hoặc được các tổ chức, đơn vị đặt hàng. Đầu tư một studio cá nhân ở Huế trên dưới 200 triệu đồng. Song, chi phí thu thấp nên hầu hết phòng thu ở Huế sống được chứ chưa thể sống khỏe. “Nguồn thu không lớn nên khó tái đầu tư trang thiết bị. Số phòng thu vài năm qua không mở thêm nhiều là minh chứng cho điều đó. Anh em nhạc sĩ mở studio không đặt nặng mục tiêu kinh doanh mà vì đam mê nghề nghiệp”, N.S Nguyễn Viết Dũng có phòng thu trên đường Lê Huân nhìn nhận. Và để tăng nguồn thu, các studio nhận thu ngâm thơ, làm album kỷ niệm, nhận đặt hàng hòa âm phối khí ngoại tỉnh, thậm chí là thu âm giới thiệu ca khúc mới cho các nhạc sĩ nghiệp dư Việt kiều… Đời sống âm nhạc ở Huế cũng là yếu tố tác động nhiều đến phòng thu. N.S Nguyễn Việt cho rằng, lực lượng sáng tác ở Huế dồi dào, các đơn vị hoạt động nghệ thuật không ít, song do thiếu sân chơi âm nhạc, hoặc có thì quy mô nhỏ, chưa hút được người chơi lẫn người nghe nên phòng thu không dễ để sống khỏe. Ca khúc nếu hoàn thiện cũng khó có “đầu ra” khi việc giới thiệu tác phẩm mới chỉ gói gọn ở một vài chương trình phát thanh, truyền hình; họa hoằn lắm mới có cuộc thi chuyên môn thì người ta hòa âm, phối khí, thu bài hát nhiều làm sao được. |