Thời gian vừa qua,ảiđpnhữngthắcmắccủangườidnvềbảohiểmytếtỷ số shanghai port Báo Hậu Giang có nhận được một số thắc mắc của người dân về chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Xuân (ảnh), Giám đốc BHXH tỉnh, xoay quanh vấn đề này.
Xin bà cho biết khi người dân có thẻ BHYT được chỉ định mua thuốc bên ngoài có được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) hay không ?
- Trong thời gian sau đại dịch Covid-19 năm 2021, nhiều cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên phạm vi cả nước với nhiều lý do khác nhau đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tháng 9-2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 8123/BYT-BH trả lời BHXH Việt Nam nội dung này, trong đó, hướng dẫn: không có cơ sở để thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT đối với trường hợp người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế do cơ sở KCB cung ứng không đầy đủ, không kịp thời hoặc không đúng quy định của pháp luật.
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2023, qua tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã giao cho Vụ BHYT xây dựng Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong KCB BHYT với những trường hợp đặc biệt và đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam cùng nhiều bộ, ngành khác để sớm triển khai.
Khi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong KCB BHYT với những trường hợp đặc biệt, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với ngành y tế để thông báo rộng rãi đến người dân triển khai thực hiện. Việc thanh toán chi phí KCB phải thực hiện theo văn bản luật và các văn bản quy phạm pháp luật.
Khi lương cơ sở tăng thì mức đóng BHYT của người tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng tăng lên, vậy người tham gia BHYT có được quyền lợi như thế nào, thưa bà ?
- Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 146/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT: Mức đóng BHYT theo hộ gia đình là 4,5% mức lương cơ sở; đồng thời, các định mức làm căn cứ để giải quyết hưởng chế độ BHYT cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng căn cứ vào mức lương cơ sở, cụ thể như:
Đối với mức đóng BHYT: Khi lương cơ sở tăng lên là 1.800.000 đồng thì mức đóng BHYT tăng thêm 13.000 đồng/tháng đối với trường hợp 100% mức đóng.
Đối với mức hưởng BHYT:
Một là, người có thẻ BHYT hộ gia đình sẽ không phải đóng chi phí cùng chi trả 20% mà hưởng 100% chi phí KCB BHYT đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở, tương đương 270.000 đồng (trước ngày 01-7-2023 định mức này là 223.000 đồng); do đó, tăng thêm 46.000 đồng cho một lần KCB được hưởng 100% chi phí; nếu vượt 270.000 đồng/lần khám bệnh thì người tham gia BHYT hộ gia đình mới phải đóng cùng chi trả 20%.
Hai là, Quỹ BHYT thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở, tương đương 81.000.000 đồng (trước ngày 1-7-2023 định mức này là 67.050.000 đồng), tăng thêm tương đương 13.950.000 đồng; sẽ hỗ trợ hiệu quả đối với người có thẻ BHYT hộ gia đình khi phải phẫu thuật với vật tư y tế chi phí cao như thay khớp, thay van tim…
Như vậy, khi mức đóng BHYT nâng lên theo lương cơ sở thì các chế độ hưởng BHYT cũng được nâng lên theo.
Tham gia BHYT, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT, việc thông tuyến và chuyển tuyến trong KCB được quy định thế nào, thưa bà ?
- Theo quy định, người dân được quyền đăng ký KCB ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã và tương đương, tuyến huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB; khi người có thẻ BHYT vào viện trong tình trạng cấp cứu thì có thể đến bất kỳ cơ sở KCB nào dù là tuyến tỉnh, tuyến Trung ương trình thủ tục BHYT sẽ được hưởng chi phí KCB như đúng tuyến.
Về việc thông tuyến KCB: Hiện nay người có thẻ BHYT khi tự đi KCB tại bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn toàn quốc, có xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc căn cước công dân gắn chíp được quỹ BHYT thanh toán mức hưởng BHYT như KCB đúng tuyến. Trường hợp tự đi KCB tại tuyến tỉnh, Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú (nằm viện) theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, không thanh toán chi phí KCB ngoại trú (đi khám bệnh). Để được hưởng quyền lợi BHYT cao nhất, người bệnh BHYT nên đến KCB tại các cơ sở đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Về việc chuyển tuyến KCB: Khi vượt khả năng điều trị, cơ sở KCB sử dụng giấy chuyển tuyến để chuyển người bệnh đến các cơ sở KCB BHYT khác trong và ngoài tỉnh theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm việc chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ tuyến trên về tuyến dưới và chuyển giữa các cơ sở KCB cùng tuyến.
Để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tại Hậu Giang, Sở Y tế và BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Y tế, BHXH thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh để thống nhất thực hiện chuyển tuyến cho bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, Trung tâm Y tế huyện Châu Thành A, Bệnh viện Đa khoa Số 10 và Bệnh viện Đại học Võ Trường Toản được chuyển tuyến thẳng lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố Cần Thơ, mà không cần phải chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi mới chuyển đi; Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh được chuyển tuyến thẳng lên các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa trên địa bàn thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng các bệnh nhân đã và đang điều trị các bệnh lý về máu, bệnh ung thư, cơ sở KCB được phép chuyển thẳng bệnh nhân đến các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ theo lịch hẹn tái khám. Điều này, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong điều trị bệnh, từ đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT thuận lợi hơn.
Xin cảm ơn bà !
BÍCH CHÂU thực hiện