');this.closest('table').remove();"> |
Thả các cá thể động vật về rừng |
Sau khi nghị án, hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án, các bị cáo đã phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”quy định tại các điểm a, g, h khoản 02 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tòa án Nhân dân huyện Nam Đông lần lượt tuyên phạt Trần Ninh 2 năm 6 tháng tù, thời gian thử thách là 5 năm; Nguyễn Bản 2 năm 3 tháng tù, thời gian thử thách 4 năm 6 tháng; Phạm Văn Năm và Trần Đình Ty mỗi bị can 2 năm tù, thời gian thử thách 4 năm. Tất cả các bị can đều được hưởng án treo, bản án có hiệu lực sau 15 ngày từ ngày toà tuyên án.
Ông Trương Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ - Vườn Quốc gia Bạch Mã thông tin, vào khoảng trưa chiều 14/01/2022, lực lượng kiểm lâm của Vườn Quốc gia Bạch Mã trong lúc đang tuần tra, bảo vệ rừng tại khoảnh 10, tiểu khu 417 thuộc lâm phận Vườn Quốc gia Bạch Mã quản lý thì phát hiện bốn đối tượng đang ngồi dưới suối cùng với bốn bao cùi. Lực lượng kiểm lâm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đã vây bắt được một đối tượng, còn lại ba đối tượng bỏ chạy, do địa hình khe suối hiểm trở nên không thể đuổi bắt được.
Tại hiện trường, các đối tượng bỏ lại bốn bao cùi, tiến hành kiểm tra bên trong các bao cùi thứ nhất có chứa một cái đầu và bốn cái chân động vật rừng và hai bao cùi có chứa thịt động vật rừng. Bao cùi còn lại bên trong đựng các dụng cụ dao tông, dao nhọn, đèn pin và bao lưới.
Đối tượng bị giữ lại tên Trần Đình Ty (sinh năm 1986) ở thôn 2, xã Hương Lộc, huyện Nam Đông, được mời về Trạm Kiểm lâm Cơ động & PCCCR – Hạt Kiểm lâm Bạch Mã để làm việc. Đến ngày 15/01/2022, ba đối tượng bỏ trốn nói trên ra trình diện. Qua đấu tranh, bốn đối tượng (Ty, Nam, Bản, Ninh) đã khai nhận về quá trình cùng nhau bàn bạc vào rừng Bạch Mã, rồi bắt gặp con vật bị mắc bẫy, tiến hành mổ xẻ và vận chuyển về để bán.
');this.closest('table').remove();"> |
Thả cá thể chim về môi trường hoang dã |
Từ kết quả giám định sơ bộ của tổ xác định loài thực vật rừng, động vật rừng Vườn Quốc gia Bạch Mã, thành lập theo Quyết định số 18/QĐ-VBM-KHHTQT ngày 11/01/2022 của Giám đốc VQGBM, xác định các mẫu vật động vật rừng mà các bị cáo săn bắt, giết thịt thuộc loài Sơn Dương (Capricornis milneedwardsii), thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ, được sửa đổi bổ sung theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, một số vụ săn bắt, giết thịt động vật rừng đã phải hầu tòa, phạt tù thích đáng. Nhiều vụ vi phạm bị phạt tiền hàng trăm triệu đồng. Điều này cho thấy, cơ quan chức năng rất nghiêm minh, quyết liệt trong xử lý vi phạm săn bắt, giết thịt, tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, nguy cấp. Tuy nhiên, nạn săn bắt, tiêu thụ động vật rừng đến nay vẫn chưa xử lý triệt để. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm, ban ngành kết hợp tuyên truyền, vận động, truy quét và tiếp nhận nhiều cá thể động vật hoang dã, quý hiếm để thả về môi trường tự nhiên.