【kqbđ phap】Sâu bệnh gây hại lúa trên diện rộng
(CMO) Sau gần 2 tháng xuống giống, hiện nay 36.522 ha lúa hè thu của các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP. Cà Mau đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng (giai đoạn chính quyết định đến năng suất lúa sau này). Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh xuất hiện trên diện rộng, nông dân đang đứng trước nguy cơ mất mùa.
Huyện Trần Văn Thời là một trong các huyện có diện tích sản xuất lúa lớn nhất toàn tỉnh, với 28.943 ha. Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân tập trung gieo sạ các giống lúa cấp xác nhận như: OM5451, RVT, ST20, ST24 và đài thơm 8... Tuy nhiên, do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, nhiều diện tích lúa ở các xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông đang xuất hiện sâu bệnh gây hại trên diện rộng. Bên cạnh đó, các trà lúa cũng đang đứng trước nguy cơ ngập úng, giảm năng suất do mưa bão.
Cả cánh đồng ấp Khánh Hội, xã Khánh Bình có gần 500 ha lúa hè thu đều bị sâu bệnh gây hại nặng. Ông Phạm Quang Hiền, người dân trong ấp, cho biết, những ngày gần đây mưa dầm, người dân phun xịt thuốc vừa xong, trời lại mưa rửa hết thuốc nên hiệu quả không cao. Mỗi ruộng lúa ở đây, gia đình nào cũng phun xịt từ 2-3 lần rồi. Nhưng sâu, bệnh vẫn còn gây hại với mật độ nhiều, có ruộng lúa sâu ăn lá tận mặt nước, trước nguy cơ mất mùa.
Nông dân Phạm Quang Hiền (bìa phải), ấp Kinh Hội, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời trao đổi với người dân trong ấp tìm biện pháp diệt sâu. |
"Sâu, bệnh gây hại nhiều, chi phí sản xuất tăng cao, mọi năm 1 chai thuốc trừ sâu loại Chief có giá 140.000 đồng/chai, phun từ 4-5 công tầm lớn. Còn năm nay sâu bệnh gây hại nặng, phun xịt thuốc nhiều lần, 1 chai thuốc xịt được 1-2 công. Sau những lần phun xịt thuốc, số lượng sâu chết cũng ít hơn, có hiện tượng kháng thuốc", ông Hiền cho biết.
Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Phạm Văn Vẹn cho biết, trong 2.280 ha lúa hè thu đã xuống giống, hiện có gần 50% diện tích đang nhiễm sâu bệnh. Hiện nay, xã đang phối hợp với Phòng Bảo vệ thực vật huyện tuyên truyền, vận động người dân phun xịt thuốc để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, có nhiều diện tích người dân phun xịt thuốc phòng trừ từ 2-3 lần, nhưng sâu bệnh vẫn còn gây hại nặng.
Thời gian tới, xã kết hợp một số ngành chức năng của huyện, tỉnh tìm biện pháp khắc phục để tránh tình trạng lây lan và cũng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để giảm thiệt hại.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, trong 36.522 ha lúa hè thu xuống giống trong toàn tỉnh đã có 14.173 ha lúa bị nhiễm sâu bệnh (sâu cuốn lá, đạo ôn lá, cháy bìa lá...). Bà con nông dân đã phòng trừ được 12.211 ha, còn lại 1.962 ha đang tiếp tục phun xịt thuốc phòng trừ.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, khuyến cáo, để phòng trừ sâu cuốn lá hiệu quả nhất, bà con cần phải xác định đúng thời điểm tuổi sâu. Vòng đời sâu cuốn lá nhỏ kéo dài trong khoảng từ 25-30 ngày. Sau khi thấy bướm sâu cuốn lá nhỏ ra rộ thì 4-7 ngày sau là thời điểm xử lý thuốc để phòng trừ thích hợp nhất.
Trước tình hình sâu bệnh đang xuất hiện gây hại như hiện nay, bà con nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách đang gây lãng phí và làm tăng chi phí sản xuất cho người dân; không những thế, còn góp phần gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và hiệu quả phòng trừ sâu bệnh thấp.
Để sử dụng thuốc đạt hiệu quả cao nhất, Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh khuyến cáo: "Bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu bệnh phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Cụ thể, khi sử dụng thuốc cần phải biết rõ loài sâu bệnh cần phòng trừ, tham vấn ý kiến cán bộ chuyên môn. Ưu tiên lựa chọn sử dụng các loại thuốc có tác động chọn lọc, có hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn và ít độc đối với sinh vật có ích. Cần sử dụng đúng nồng độ, liều lượng (bao gồm lượng thuốc và lượng nước pha trộn để phun trên một đơn vị diện tích cây trồng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật). Việc tuỳ tiện tăng nồng độ thuốc lên cao sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng, cây trồng, vật nuôi, môi trường và làm tăng chi phí; còn nếu phun ở nồng độ quá thấp sẽ làm cho sâu bệnh nhờn thuốc, kháng thuốc, tạo nguy cơ bùng phát dịch. Cần phun thuốc vào thời điểm sâu bệnh dễ bị tiêu diệt, phun ở giai đoạn tuổi nhỏ đối với sâu và ở giai đoạn đầu đối với bệnh. Phun vào lúc trời râm mát, không có gió to để thuốc tiếp xúc bám dính tốt hơn trên bề mặt lá để đạt hiệu quả cao nhất"./.
Trung Đỉnh - Vũ Trân