Ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế Chương trình tư vấn hậu gia nhập WTO tại Việt Nam cho biết, kinh tế thế giới sẽ dần hồi phục và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ có những cải thiện đáng kể nhờ những biện pháp cải cách tích cực của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, về môi trường kinh doanh, Việt Nam vẫn đang bị đánh giá thấp hơn Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, năng lực quản trị của bộ máy Nhà nước hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, lao động thiếu kỹ năng, công nghệ và các vấn đề môi trường đang là những rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế và là những rủi ro mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có một số thành công như kinh tế tăng trưởng nhanh với động lực tăng trưởng đến từ khu vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, cùng với đó là sự chuyển dịch sang những phân đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và tham gia vào mạng sản xuất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đại diện của ngân hàng HSBC Vietnam, ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc lại kỳ vọng kết quả tích cực từ công cuộc tái cấu trúc thị trường tài chính, tương tự như cuộc cải cách kinh tế năm 1986 tập trung vào ngành nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới và cuộc cải cách năm 1999 hướng vào khu vực tư nhân và sản xuất công nghiệp đã giúp cho 2 khu vực này phát triển vượt bậc và trở thành động lực tăng trưởng GDP. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, DN đứng trước lựa chọn tái cấu trúc ở 2 vị thế chính: bị động và chủ động. Áp lực tái cấu trúc lớn nhất khi DN phải đối mặt với sự suy giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng, từ đó phải đưa ra những giải pháp nhằm đối phó với vấn đề làm thế nào để tồn tại và vượt qua khủng hoảng. Nhưng cũng có những DN xử lý theo cách khác và lãnh đạo DN phải tiên liệu được những bối cảnh kinh tế trong tương lai và tái cấu trúc để đón đầu những khó khăn như vậy. T.T |