Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV,ủtrongtổchứccnbộgpphầntăngthmsựđonkếkqbd việt nam hôm nay nhiệm kỳ 2020-2025 và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ yêu cầu ngày càng phát triển nhanh và bền vững tỉnh nhà.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Minh Trí (phải) trao quyết định bổ nhiệm lại và hoa chúc mừng ông Phan Hoàng Ngoan.
Những quyết sách quan trọng về cán bộ
Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 50 thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Đề án số 05 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Đề án số 04 về đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh…
Nội dung của những quyết sách này mang tính bao trùm nhưng tựu chung lại là những biện pháp cụ thể để khi cán bộ được sử dụng, trọng dụng đảm bảo hội đủ các yếu tố tài - đức - tâm - tầm, hay khác hơn là năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức, uy tín, đoàn kết tập thể…
Nếu Chương trình 50 của Tỉnh ủy xác định chung trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, Hậu Giang tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về công tác cán bộ gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong hệ thống chính trị tỉnh, thì Đề án số 05 cụ thể hơn.
Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong tỉnh có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy đổi mới, khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; có trình độ, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; phong cách và phương pháp làm việc chuyên nghiệp, khoa học; có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2025 cũng như những năm tiếp theo.
Đây còn là bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ; tuyển dụng, thu hút cán bộ trẻ, chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương đạt 5% so biên chế hiện nay; tỷ lệ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có trình độ sau đại học đạt 25%; 80% cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có ngạch chuyên viên chính trở lên; 55% cán bộ lãnh đạo cấp phòng thuộc cơ quan cấp tỉnh, 25% cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý có ngạch chuyên viên chính; 100% cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã có ngạch chuyên viên trở lên...
Một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu trên là coi trọng việc nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng quy hoạch cán bộ theo hướng “động” và “mở”, chú trọng tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cơ cấu đúng chuyên môn đào tạo, theo vị trí việc làm; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ…
Ông Nguyễn Thiện Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; gắn kết, liên thông chặt chẽ quy hoạch cán bộ với công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; định kỳ hàng năm xem xét, đánh giá cán bộ để đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới có triển vọng.
Với Đề án số 04 lại càng cụ thể hơn trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là đổi mới cách thức tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý.
Điểm qua kết quả thực hiện Đề án số 04, 05 từ giữa năm 2022 đến nay thì đây thật sự là sự đổi mới về tổ chức, dân chủ trong công tác cán bộ về bổ nhiệm mới, bổ nhiệm lại; cán bộ, công chức, viên chức khi được bổ nhiệm phải chứng minh thực tài của mình.
Dân chủ hơn trong tổ chức cán bộ
Trong đợt “sát hạch” để được bổ nhiệm lại vào tháng 8-2022, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phan Hoàng Ngoan là người đầu tiên thuộc diện của Đề án số 05 được ngồi “ghế nóng”.
Thực hiện Đề án này, người được bổ nhiệm lại phải xây dựng cho mình báo cáo kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thời gian qua (5 năm được bổ nhiệm) và chương trình hành động nếu được bổ nhiệm lại (5 năm tiếp theo). Trong báo cáo 5 năm qua, phải thể hiện/định lượng được kết quả, hiệu quả công việc làm được; 5 năm tới là những quyết tâm về cách nghĩ, cách làm, đột phá, biện pháp hiệu quả thực hiện nhiệm vụ do mình đặt ra nếu được bổ nhiệm lại…
Ông Phan Hoàng Ngoan cho biết, rất trách nhiệm trong đầu tư viết báo cáo để trình bày tại hội nghị cán bộ chủ chốt đơn vị, trong đó có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; cũng như trả lời các câu hỏi do các thành viên hội nghị hôm đó chất vấn, chủ yếu hỏi về cơ sở nào đề ra nhiệm vụ cho 5 năm tới và các giải pháp thực thi hiệu quả. “Viết báo cáo là viết kết quả thật đã làm được, minh chứng bằng số liệu cụ thể; nhiệm vụ đặt ra 5 năm tới nếu được bổ nhiệm lại có nội dung sát với yêu cầu công việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, đòi hỏi thực tế ở đơn vị và những biện pháp khả thi thực hiện công việc đó. Nói chung, hoàn toàn là những nhiệm vụ có tên để thuyết phục”, ông Ngoan nhấn mạnh.
Trong báo cáo của mình hôm “sát hạch”, ông Phan Hoàng Ngoan đề cập: Đã tham mưu trình 19 đề án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh, 19 đề án vị trí việc làm và 19 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức hành chính; tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt 40 đề án sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW; tham mưu giải quyết dứt điểm 3 trường hợp khiếu nại về chế độ chính sách của công chức, viên chức kéo dài nhiều năm; thẩm định, trình giải quyết 749 trường hợp tinh giản biên chế, nghỉ hưu, thôi việc theo Nghị định số 108…
Chương trình hành động của ông Phan Hoàng Ngoan cũng rất thuyết phục. Gắn với công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ đề cập 5 năm tới sẽ tích cực hơn trong tham mưu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh gắn với vị trí việc làm; các tiêu chuẩn điều kiện trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng, Nhà nước; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển 4 trụ cột công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch; các đề án phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh...
Ông Phan Hoàng Ngoan đã thuyết phục được tất cả thành viên tại hội nghị. “Qua đây, tôi cũng nhận thức đầy đủ hơn mặt nào mạnh để phát huy và sớm khắc phục hạn chế được lãnh đạo, đồng chí mình tận tình trao đổi. Hậu Giang đã sớm tổ chức thực hiện các nghị quyết về cán bộ một cách bài bản, đúng quy định; phát huy hơn nữa sẽ góp phần cho tỉnh nhà lựa chọn được nhiều hơn những nhân tố tiêu biểu góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương thêm phát triển”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói thêm.
Cũng mới đây, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã ký quyết định bổ nhiệm 3 trưởng phòng vì xuất sắc vượt “vũ môn” trong kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng.
Văn phòng Tỉnh ủy là đơn vị đầu tiên trong tỉnh tổ chức thực hiện Đề án số 04. Có 7/8 thí sinh đủ điều kiện dự thi tuyển chức danh trưởng phòng: Tổng hợp, Cơ yếu - Công nghệ thông tin, Quản trị, trong đó có những thí sinh công tác trong và ngoài Văn phòng Tỉnh ủy như Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Dân vận Tỉnh ủy…
Là “người nhà”, bà Lê Thị Mai, Phó trưởng Phòng Tổng hợp, tham gia thi chức danh Trưởng phòng, cạnh tranh với 1 thí sinh khác. Dự thi, các thí sinh phải thể hiện tài năng của mình 2 vòng: thi viết kiến thức chung và thi thuyết trình/bảo vệ đề án.
Qua đánh giá của Ban tổ chức kỳ thi, bà Lê Thị Mai đã thể hiện khả năng vượt trội hơn thí sinh còn lại, được Chánh Văn phòng Tỉnh ủy ký quyết định bổ nhiệm trưởng phòng. “Nói là người nhà chứ thi thì phải nỗ lực hết mình. Tôi phải ôn luyện phần kiến thức chung nhiều ngày, đầu tư cho đề án và đứng trước gương tập thuyết trình nhiều lần chứ không chủ quan về kiến thức, kinh nghiệm mình đã có”, Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng Tỉnh ủy, bộc bạch.
Được biết, trong Đề án trình bày tại kỳ thi, bà Mai đã nói đến những hạn chế, bất cập của Phòng, và đây là “điểm cộng” của Ban giám khảo đối với bà. “Bởi theo tôi, chỉ có thẳng thắn dám nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm của đơn vị và nguyên nhân mới có giải pháp khắc phục hiệu quả, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ hoạt động của cấp ủy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay”, bà Mai nói thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên Hậu Giang tổ chức tuyển chọn cán bộ qua hình thức thi tuyển mà năm 2019 đã tổ chức thành công với việc lãnh đạo tỉnh ký ngay quyết định tại kỳ thi, bổ nhiệm mới 2 cán bộ cấp phòng lên chức phó giám đốc. Đúc kết kinh nghiệm, quan tâm thực hiện nghiêm các quy định về nâng chất cán bộ, sau Đại hội XIV của tỉnh, đến nay, Hậu Giang đã bổ nhiệm, bộ nhiệm lại 5 cán bộ thông qua các hình thức vừa nêu.
Về công tác này, ông Nguyễn Thiện Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nói: Đại hội XIII của Đảng xác định “bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững” là quan điểm đúng đắn, kịp thời của Đảng ta nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hậu Giang đã, đang và sẽ thực hiện hiệu quả hơn trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cấp.
Ông Nguyễn Thiện Nhơn nhấn mạnh: “Dân chủ, thiết thực trong công tác tổ chức cán bộ đã và sẽ góp phần tăng thêm đoàn kết nội bộ, xây dựng Đảng thêm vững mạnh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành từng khẳng định: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định “Cán bộ là 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá”, trong Chương trình số 50 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định lại “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là ưu tiên thứ nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi trong nhiều Văn kiện Đảng ta khẳng định: Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Vì vậy, đổi mới trong tổ chức cán bộ tỉnh nhà sẽ tiếp tục là luồng sinh khí tích cực để Hậu Giang xây dựng cho mình đội ngũ cán bộ các cấp vừa hồng vừa chuyên, phục vụ quê hương tốt hơn, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển phồn thịnh.
Bài, ảnh: TRÍ THỨC