Nguyên liệu thủy sản gia công xuất khẩu chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra thực tế. Ảnh: T.H |
Giảm tối đa việc kiểm tra
Ông Bạch Đức Lữu, Chi cục trưởng Chi cục thú y vùng VI cho biết, Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Công văn 1259/TY-KD về việc áp dụng phương án tạm thời về kiểm dịch nhập khẩu do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Cục Thú y đề nghị Chi cục Thú ý vùng VI áp dụng phương án tạm thời về công tác kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật tại các địa phương thuộc địa bàn quản lý trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như sau:
Về khai báo và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật trên cạn, sản phẩm động vật thuỷ sản: tiếp tục thực hiện việc khai báo kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trên hệ thống một cửa quốc gia;
Đối với trường hợp khác thì chủ hàng scan hồ sơ khai báo kiểm dịch và gửi qua email cho cơ quan kiểm dịch để xác nhận đơn khai báo kiểm dịch và scan gửi cho chủ hàng qua email…
Về thực hiện kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật trên cạn, đối với nhóm sản phẩm động vật có nguy cơ cao thực hiện, cứ 5 lô lấy mẫu ngẫu nhiên của 1 lô hàng để kiểm tra, xét nghiệm và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch; đối với nhóm sản phẩm động vật có nguy cơ thấp, không lấy mẫu kiểm tra, chỉ kiểm tra hồ sơ; đối với những lô hàng không phải lấy mẫu thì chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ
Về thực hiện việc kiểm dịch sản phẩm động vật thuỷ sản để gia công, chế biến xuất khẩu, chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra thực trạng lô hàng. nếu hồ sơ hợp lệ, cấp Giấy chứng nhận ngay.
Được biết, trước đó Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có quyết định tạm thời về cơ chế miễn - giảm kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và lịch tuân thủ của doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn dịch bệnh.
Cần áp dụng quản lý rủi ro
Trước đó, thực hiện kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu phát sinh vướng mắc khi các địa phương thực hiện cao điểm phòng chống dịch. Chi cục Thú y vùng VI cho biết, đối với hàng gia công, chế biến xuất khẩu theo quy định, doanh nghiệp được đưa về kho để kiểm dịch. Tuy nhiên, trong đợt cao điểm phòng chống dịch, một số địa phương thực hiện cách ly, hạn chế việc đi lại, nên đối với các kho hàng của doanh nghiệp tại TPHCM việc kiểm dịch thì ổn, nhưng những kho hàng của doanh nghiệp tại các tỉnh thì lại khó khăn. Chính vì thế, đơn vị có khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện kiểm dịch ngay tại cảng, do không phải lấy mẫu, chỉ kiểm tra cấp giấy cho đi luôn.
Đối với những lô hàng nhiều container, doanh nghiệp đưa hàng về kho bảo quản, thực hiện kiểm tra trực tuyến thông qua hình ảnh, quay phim... lưu lại hồ sơ và cấp giấy luôn.
Theo báo cáo của Cục Hải quan TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục Hải quan TPHCM đã làm thủ tục cho gần 1,2 triệu tờ khai hàng nhập khẩu. Trong đó, có trên 16.600 tờ khai kiểm dịch, trên 1 gần 12.500 tờ khai kiểm tra chất lượng.
Tuy số lượng tờ khai có hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành rất lớn, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm về lĩnh vực này lại quá ít. Trong 6 tháng đầu năm 2021, qua các kết quả kiểm tra chuyên ngành, Cục Hải quan TPHCM đã lập biên bản vi phạm đối với 34 trường hợp, với trị giá hàng vi phạm gần 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,0033%.
Đáng chú ý, lượng tờ khai hải quan có hàng hóa phải kiểm dịch tại cảng biển, sân bay rất lớn, nhưng trong 6 tháng đầu năm các cơ quan kiểm tra chuyên ngành lại chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm về kết quả kiểm dịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, theo quy định hiện nay 100% container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra mà không phụ thuộc vào mục đích nhập khẩu và có lịch sử ra sao. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và 20% số lô hàng mỗi năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa. Quy định này dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải “kiểm tra nhập khẩu” rất lớn.
“Đối với kiểm dịch, kể cả kiểm tra an toàn thực phẩm, cơ quan kiểm tra chuyên ngành cần áp dụng nguyên tác quản lý rủi ro khi thực hiện các nghiệp vụ này”- ông Hòe đề xuất.