Sáng 15/4 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020. Tham dự sự kiện này có khá nhiều vị lãnh đạo cao nhất của nhiều tỉnh, riêng các tỉnh quán quân và á quân, cả Bí thư tỉnh uỷ và lãnh đạo UBND tỉnh cùng có mặt. Với điểm số PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2020. Tăng 1,69 điểm PCI tổng hợp so với năm trước đó, Quảng Ninh đã vượt qua chính mình để xác lập vững chắc vị trí quán quân bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Đồng Tháp và Long An là những địa phương tiếp theo nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020. Với điểm số 72,8, Đồng Tháp nắm giữ vị trí thứ 2 trong PCI 2020 với những cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong công tác cải cách hành chính (tăng 1,1 điểm), tạo thuận lợi về gia nhập thị trường (tăng 0,81 điểm) và giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (tăng 0,45 điểm). Long An đạt 70,37 điểm và đứng vị trí thứ 3 trong PCI 2020, tăng 5 bậc so với năm 2019, với những bước tiến mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp (tăng 1,17 điểm) và công tác cải cách thủ tục hành chính (tăng 1,32 điểm). Những tỉnh tiếp theo đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 là Bình Dương (70,16 điểm), Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), Thành phố Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), Thành phố Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm). Trong danh sách này, Bình Dương có sự cải thiện mạnh mẽ nhất khi tăng 2,78 điểm và 9 bậc so với kết quả năm 2019, với những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,91 điểm) Đứng đầu từ dưới lên lần lượt là Bạc Liêu, Kiên Giang, Hà Giang, Đắc Nông, Bắc Kạn. Báo cáo PCI 2020 đánh dấu năm thứ 16 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác thực hiện và công bố chỉ số PCI tại Việt Nam. Kể từ năm 2005 tới nay, có 153.306 doanh nghiệp bao gồm 135.893 doanh nghiệp tư nhân và 17.413 doanh nghiệp FDI phản hồi điều tra PCI. Riêng năm 2020, một năm đầy biến động và khó khăn do đại dịch COVID-19, điều tra PCI vẫn có sự tham gia của 12.295 doanh nghiệp, trong đó có 10.731 doanh nghiệp tư nhân4 và 1.564 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Xét theo chuỗi thời gian, đây là năm có số lượng phản hồi cao thứ 2 chỉ sau năm 2019 (12.429 doanh nghiệp). Con số tỷ lệ phản hồi cao của năm 2020 (27,4%) cho thấy điều tra PCI tiếp tục được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng như một kênh hiệu quả truyền tải tiếng nói của mình về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các địa phương của Việt Nam. |