Muôn sắc đồ trang trí
Thời điểm này,õgặphàngTrungQuốty le macao khi Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang cận kề, cũng là lúc thị trường đồ trang trí phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa của người dân càng trở nên sôi động. Những khu mua sắm lớn như chợ Bình Tây (đường Tháp Mười, quận 6), đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), Nguyễn Trãi (quận 5)… sáng rực bởi những màu sắc đặc trưng của lễ Giáng sinh, màu đỏ và vàng của năm mới.
Những bộ quần áo ông già Noel dành cho các em nhỏ được bày bán từ trong nhà ra vỉa hè. Thử ghé hỏi một bộ quần áo Noel dành cho các em gái, chị bán hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông đon đả: “Có mấy loại em à, giá từ 70.000-130.000 đồng/bộ tùy kiểu, kích cỡ và chất vải”. Hàng này sản xuất ở đâu vậy chị? “90% là hàng Trung Quốc, giá rẻ mà mẫu mã đa dạng”.
Dọc con đường này có rất nhiều cửa hàng bán đồ trang trí cho Noel và tết. Giá cả cũng dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng tùy món và hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi tôi hỏi thử một cửa hàng bán đồ xem có hàng Việt Nam không, người bán cho hay: “Hàng Việt Nam cũng có nhưng mẫu mã ít hơn và giá cũng đắt hơn”.
Không chỉ đồ trang trí, thậm chí những món hàng rất nhỏ như những chiếc phong bao lì xì cũng đỏ rực hàng Trung Quốc. Rất hiếm có tiệm bán hàng nào không trưng phong bao lì xì của Trung Quốc. Giá bán cũng khá mềm, chỉ 5.000 đồng 1 bịch 20 chiếc.
Cách con đường Hải Thượng Lãn Ông không xa là khu chợ sầm uất Bình Tây (hay còn được gọi với cái tên Chợ Lớn). Ở đây có thể tìm thấy đủ thứ mặt hàng, đặc biệt là những mặt hàng phục vụ cho ngày tết đang được tiểu thương nhập về khá nhiều.
Phía mặt chợ trên đường Tháp Mười là đủ loại mặt hàng trang trí. Phía trong chợ, những dãy bán đồ chưng bàn thờ ngày tết như vàng thỏi, tháp cau… tấp nập người bán kẻ mua. Chưa cần hỏi, chỉ cần nhìn những dòng chữ được khắc trên đó cũng biết nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Đi qua một khu khác bán đồ nhựa, chúng tôi nhận thấy khá nhiều khay đựng bánh mứt kẹo được bày bán.
Bên cạnh một vài sản phẩm của Việt Nam, chủ yếu vẫn là hàng Trung Quốc, nhất là những loại khay đựng bánh kẹo xoay và phát nhạc. Có một điều dễ nhận thấy là khi được hỏi nguồn gốc những mặt hàng này, những người bán đều trả lời rất nhanh là hàng Trung Quốc. Có lẽ do không phải thực phẩm nên người ta cũng chẳng e ngại gì.
Nguồn gốc thực phẩm?
Như đã nói ở trên, với những mặt hàng trang trí, phong bao lì xì người bán sẽ chẳng ngần ngại cho biết đó là hàng Trung Quốc. Nhưng với các mặt hàng thực phẩm như bánh, mứt, kẹo, khô bò, lạp xưởng, tôm khô… những món ăn quen thuộc ngày tết, chẳng tiểu thương nào nói là hàng nhập từ Trung Quốc. Gần như tất cả đều là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Dạo một vòng quanh khu chợ An Đông, qua những sạp bán đồ khô, chúng tôi hỏi mua khô bò ăn chơi dịp tết, chị bán hàng giới thiệu đây là hàng chế biến trong nước đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc hàng sản xuất trong nước sao không có bao bì, nhãn mác mà để trong những chiếc lọ thủy tinh, chị bán hàng chuyển hướng ngay: “Đây là hàng do mấy cơ sở nhỏ sản xuất. Cứ yên tâm không có hàng Trung Quốc đâu”.
Cũng giống như ở chợ An Đông, khi chúng tôi trở lại khu chợ Bình Tây, ngay phía bên hông chợ san sát sạp bán thực phẩm khô. Đặc điểm chung của hàng thực phẩm chế biến này đều được đựng trong những chiếc bọc nylon lớn và phân biệt bằng những chiếc biển nhỏ cắm phía trên.
Vào chợ, trong khu vực bán bánh kẹo, người tiêu dùng rất dễ bị hoa mắt bởi vô số sạp bán bánh, mứt, kẹo đủ loại. Khi ghé vào một sạp trong khu hỏi mua kẹo chocolate, chị bán hàng chỉ tay giới thiệu 4, 5 túi nylon lớn, nhưng khi hỏi nguồn gốc, chị này nói ngay là hàng Việt Nam.
Thậm chí, khi tôi cầm thử một cục kẹo có vỏ màu trắng bên ngoài ghi mấy chữ Trung Quốc, chị vẫn khăng khăng là “hàng Việt Nam có ghi thêm tiếng Trung”. Thấy tôi có vẻ băn khoăn về nguồn gốc khi hỏi mua mấy bịch mít sấy khô, chị bán hàng nói: “Đây là hàng của Việt Nam, giá 160.000 đồng/kg. Trung Quốc làm gì có mít. Nước mình còn xuất mít sấy qua đó, em đừng lo”.
Thử hỏi thêm một vài sạp quanh đó, câu trả lời cũng không có gì khác. Song khi chúng tôi ra ngoài chợ, khu vực có cánh xe ôm khá đông, chuyên vận chuyển hàng cho khách để hỏi han, nhiều người cho biết hàng thực phẩm ở chợ này phần lớn là hàng Trung Quốc, được bán buôn về các tỉnh miền Tây cũng như khu vực ngoại thành TPHCM. Ngoài 2 khu chợ này còn rất nhiều khu chợ truyền thống khác, như chợ Bến Thành (quận 1), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chợ Hóc Môn (huyện Hóc Môn)… cũng bày bán đủ thứ mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân.
Nhưng ở đâu cũng vậy, chất lượng hàng chỉ được khẳng định qua lời người bán kiểu này thật đáng báo động. Năm nào cũng thế, cứ dịp tết đến người dân vừa háo hức mua sắm nhưng lại vừa lo lắng về chất lượng hàng hóa.
Những ngày gần đây, thông tin hàng hóa nhập siêu từ Trung Quốc trong 10 tháng năm nay đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái, đang khiến người dân càng thêm hoang mang. Để mang lại một cái tết vui tươi, an toàn, rất cần sự chung tay vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng.
Theo SGĐTTC |