Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp tại TPHCM. USAID thông qua Dự án "Tạo thuận lợi thương mại” luôn xem TPHCM là đối tác chiến lược trong các hoạt động này. “Thông qua hội thảo, chúng tôi hy vọng thu thập được nhiều ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan. Từ đó, có các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, cắt giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và khắc phục những khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực”, bà Ann Marie Yastishock bày tỏ. Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Thành phố đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%... Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho hay, trong giai đoạn cao điểm dịch tại TPHCM, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… đều diễn ra rất chậm và giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, giao thương, phải tuân thủ các quy định về kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay, công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM đang được triển khai tốt. Ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ, Cục Hải quan TPHCM cho biết, trong thời gian qua, Cục Hải quan TPHCM luôn đảm bảo thông quan hàng hóa nhập khẩu để kịp thời phục vụ nhiệm vụ chống dịch và không để đứt gãy hoạt động XNK tại các cửa khẩu của Thành phố. Hiện ngành Hải quan nói chung và Cục Hải quan TPHCM đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan luồng xanh chiếm đến 80%, luồng đỏ 2%. Tuy nhiên, theo các đại biểu, do tác động của dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp khó có thể sớm phục hồi. Theo đại diện Hiệp hội Logistics TPHCM, doanh nghiệp khó khăn do thiếu lao động, giá cước vận tải biển tăng cao, thiếu container, thiết bị bốc dỡ và tàu chuyên chở khiến các chuỗi cung ứng đối mặt áp lực lớn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chi phí logistics tăng rất cao. Một số thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng cường áp dụng nhiều biện pháp để phòng chống dịch, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị, TPHCM cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển logistics để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì hiện nay, việc kết nối vận chuyển đường bộ, đường thủy chưa đồng bộ, làm chi phí tăng cao. Lãnh đạo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đề xuất, Chính phủ cần có những gói hỗ trợ đặc biệt cho các DN có khả năng phục hồi nhanh ở các ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ như hỗ trợ vốn vay ngắn hạn, giảm lãi suất vay ngân hàng; miễn giảm phí thuê đất, VAT… Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, các đại biểu cho rằng cần tận dụng tốt các hiệp định tự do thương mại đang có lộ trình cắt giảm thuế. Doanh nghiệp cần lưu ý về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, vì hiện nay một số nơi có xu hướng áp dụng phòng vệ thương mại, nếu doanh nghiệp bị áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại thì mức thuế sẽ cao gấp nhiều lần.
|