Cùng với sự phát triển của xã hội,ệnthựchakhtvọngkhởinghiệlịch bóng đá giao hữu hôm nay phụ nữ ngày càng khẳng định mình trong vai trò làm chủ kinh tế gia đình. Ở Hậu Giang, các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ không ngừng lớn mạnh cũng cho thấy vị thế của họ đối với gia đình và ngoài xã hội. Gia đình chị Út đã thực hiện thành công mô hình khởi nghiệp nuôi lươn sinh sản. Các mô hình hiệu quả Chỉ hơn 1 năm khởi sự kinh doanh với nghề bán hàng thủ công từ tre, trúc nhưng chị Lê Thị Thúy Vân, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, dần khẳng định được khả năng làm kinh tế của mình. Hiện chị đang kinh doanh hàng chục nhóm sản phẩm có đủ kiểu dáng, kích cỡ như: rổ, thúng, nôi tre, chao đèn, lồng bàn, quang gánh… “Ban đầu tôi bán thử rổ tre, rồi dần dần thấy mặt hàng từ tre, trúc được người dân ưa chuộng nên nhập thêm nhiều loại sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, tôi còn bán sản phẩm qua online nên đầu ra khá ổn định. Thời điểm cận tết vừa rồi, mỗi ngày doanh thu đạt tới vài triệu đồng”, chị Vân chia sẻ. Hiện chị Vân đang tập tành học nghề để tự tay tạo ra sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Chị cũng đang có ý định mở rộng loại hình kinh doanh mặt hàng thủ công từ tre, trúc và đầu tư máy chuốt nan, giúp giảm công lao động cho các thợ đan có thời gian làm ra nhiều sản phẩm hơn. “Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư, lại thêm số thợ giỏi chịu gắn bó với nghề này còn quá ít nên trước mắt, tôi sẽ chủ động học đan những mẫu đơn giản nhằm tăng nguồn hàng tại chỗ cho khách”, chị Vân tiết lộ. Gần 3 năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Út, ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, có cuộc sống ổn định hơn nhờ mô hình khởi nghiệp nuôi lươn sinh sản. Với 56 con lươn bố mẹ ban đầu, giờ gia đình chị có khoảng 5.000 con lươn bố mẹ và dự kiến sẽ xuất bán ra thị trường từ 700.000-1.000.000 con lươn giống trong thời gian tới. Giá lươn giống trên thị trường hiện khoảng 7.000 đồng/con nên hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho gia đình chị. “Vợ chồng tôi đã thử qua nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhưng không đạt hiệu quả cao. Từ nuôi lươn đồng thử nghiệm rồi học kinh nghiệm sản xuất lươn giống và trải qua nhiều lần thất bại mới đạt được kết quả như hôm nay”, chị Út bộc bạch. Cũng theo chị Út, cách đây vài tháng, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Long Tây đã tạo điều kiện tiếp cận được nguồn vốn vay khởi nghiệp. Tận dụng nguồn vốn này, chị đang mở rộng quy mô sản xuất lươn giống kết hợp xây thêm 18 bể nuôi lươn thương phẩm để tăng thu nhập cho gia đình. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Long Tây, nhằm giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trong năm qua, đơn vị đã tạo điều kiện cho 3 hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay khởi nghiệp 50 triệu đồng/mô hình. Qua gần một năm tiếp cận nguồn vốn vay, hầu hết các mô hình đều phát triển. Giúp chị em yên tâm khởi nghiệp Những năm qua, trên cơ sở thực hiện Đề án của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025; Kế hoạch UBND tỉnh về việc triển khai, thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2019-2025 và với tinh thần đổi mới, sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã triển khai rộng khắp, đồng bộ đến các tầng lớp phụ nữ về phong trào khởi nghiệp. Từ đó, chị em tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, trở thành những đặc sản có thương hiệu của tỉnh. Trong số đó phải kể cá thát lát Hậu Giang, các sản phẩm từ khóm, hàng thủ công mỹ nghệ… góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, để hội viên, phụ nữ an tâm với sản phẩm mình làm ra, các cấp hội luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ có mô hình phát triển kinh tế đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông qua các ngành chức năng. Đến nay, có 9 cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ khởi nghiệp; 26 sản phẩm OCOP, gồm 19 sản phẩm đạt 4 sao và 7 sản phẩm đạt 3 sao, cùng nhiều sản phẩm khác chưa có điều kiện đăng ký đạt tiêu chuẩn này. Bên cạnh đó, trong năm qua, UBND tỉnh đã trao hơn 1 tỉ đồng vốn khởi nghiệp cho 23 hộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh vay; hỗ trợ 120 phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp với tổng số vốn hơn 4 tỉ đồng. Ngoài ra, Tỉnh hội còn phối hợp triển khai xây dựng 55 điểm liên kết bán các sản phẩm nông nghiệp, chế biến; 25 điểm thực hiện chợ an toàn; 69 tổ hợp tác, tổ kiên kết, 20 hợp tác xã có phụ nữ tham gia thành viên hội đồng quản trị. Theo bà Huỳnh Thị Kim Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, để Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2019-2025 đạt mục tiêu đề ra, tới đây, các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng hội viên, phụ nữ. Đồng thời, triển khai xây dựng thêm những câu lạc bộ, tổ hợp tác, tổ liên kết phụ nữ làm kinh tế; phối hợp với các ngành liên quan để hỗ trợ cơ sở pháp lý cho phụ nữ có cơ hội quảng bá sản phẩm. Mặt khác, thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo... để phụ nữ tiếp cận những kiến thức mới, kinh nghiệm hay, nhất là được hỗ trợ vốn giúp họ phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà. Bài, ảnh: MỸ AN |