Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), quý 2/2021, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng so với quý 1/2021. Lý do là bởi, diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19, tình trạng thiếu container rỗng kéo dài, giá cước phí tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung cà phê thiếu hụt do Việt Nam và một số nước sản xuất lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19; đồng thời nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, châu Âu tăng. Tháng 7/2021, giá cà phê thế giới chững lại trong những ngày đầu tháng so với cuối tháng 6/2021, nhưng sau đó đã tăng mạnh trở lại. Những ngày cuối tháng 7/2021, giá cà phê thế giới liên tục ghi nhận ở mức cao lịch sử. Đợt sương giá nghiêm trọng tại Brazil và nguồn cung hạn chế từ Việt Nam được nhận định là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cà phê tăng mạnh. Tại thị trường nội địa, giá cà phê trong quý 2/2021 biến động theo xu hướng tăng so với quý 1/2021. Xu hướng tăng giá kéo dài sang cả tháng 7/2021. Ví dụ điển hình, ngày 28/7/2021, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng theo giá thế giới. Mức tăng từ 7– 7,2% so với ngày 30/6/2021, lên mức 37.000 - 38.200 đồng/kg. Tại cảng khu vực TPHCM, giá cà phê tăng 6,8% so với ngày 30/6/2021, lên 39.400 đồng/kg. Về xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 7/2021 đạt 110 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 953 nghìn tấn, trị giá 1,754 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 1,7% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020. Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam thời gian tới sẽ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất và vận chuyển hàng hóa. “Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt container rỗng tiếp tục kéo dài khiến chi phí tăng mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng cà phê trên thị trường thế giới”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết. Về cà phê thế giới, dự báo giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Các yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng được chỉ rõ là: Nguồn cung hạn chế, nhu cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Giá cước vận chuyển các tuyến châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu container vẫn không được khắc phục dự kiến kéo dài tiếp. Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng FOB (điều kiện giao hàng miễn trách nhiệm của người bán khi hàng đã lên boong tàu-PV), mà muốn người bán chịu toàn bộ chi phí bao gồm vận tải, bảo hiểm… khiến xuất khẩu cà phê gặp nhiều khó khăn. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao; xuất khẩu cà phê nhân dự báo tăng 3,0 triệu bao lên 26,0 triệu bao, giúp giảm nhẹ tồn kho. Theo ước tính ban đầu, tình trạng sương giá tại Brazil sẽ làm sản lượng vụ mùa đang thu hoạch giảm khoảng 1% và khả năng sản lượng của niên vụ sau cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Thị trường tiếp tục thận trọng với dự báo nhiệt độ ở các vùng trồng cà phê vào đầu tháng 8/2021 có khả năng chạm ngưỡng 0 độ C và nguy cơ xuất hiện “sương giá đen”.
|