Câu chuyện mở màn khi bà Nguyện (NSND Minh Châu) trở về từ chuyến đi châu Âu,ữngđiểmthuhútởphimcóThươngTínMinhChâuđómexico liga mx nữ đem theo hũ tro của chồng cũ và con cu li ông để lại. Vân (Hà Phương), cháu đứa cháu gọi bà Nguyện là dì ruột, xin phép được làm đám cưới với bạn trai kém tuổi tên Quang (Xuân An), trong khi bà Nguyện không hay biết cô đã mang bầu. Tại một phòng trà hay lui tới để nghe nhạc và khiêu vũ, bà Nguyện tình cờ quen biết một cậu bồi bàn khéo ăn nói (Hoàng Hà). Trở thành bạn tâm giao của nhau, bà Nguyện rủ chàng trai trẻ tuổi cùng về thăm lại cơ quan cũ của bà, nơi xe duyên cho bà và người chồng chuyên gia Đức năm xưa.
Sau khi trở thành phim Việt Nam đầu tiên thắng giải "Phim đầu tay xuất sắc" tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Berlin, Cu li không bao giờ khóc tiếp tục đi qua nhiều sự kiện điện ảnh khắp thế giới. Hôm 25/11, tác phẩm được xướng tên "Phim truyện dài xuất sắc" tại Sharjah Film Platform - một LHP thường niên tổ chức ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Cùng lúc, phim ra rạp trong nước và nhận đánh giá tốt từ nhiều nhà làm phim, nghệ sĩ.
Nỗi cô đơn bên kia dốc cuộc đời
Bộ phim mở ra khi một đám tang vừa kết thúc và một đám cưới đang được sửa soạn. Là người lo toan cả hai đám hiếu - hỷ, bà Nguyện chưa kịp thích nghi với nỗi đau bất chợt đã buộc phải sẵn sàng cho một niềm vui không được hẹn trước. Có lẽ vì thế, bà luôn hiện hữu với một vẻ bối rối, không biết nên hành xử và bộc lộ cảm xúc thế nào.
Nhà sắp có tiệc hỷ, đúng ra bà Nguyện phải tất bật lắm. Vậy mà bà cứ uể oải, chậm rãi trong mọi ngôn hành. Ngay cả khi khiêu vũ, động tác của bà cũng nhẹ chỉ như đứng tại chỗ. Đôi mắt bà luôn mở to nhìn mọi thứ nhưng không thấy đâu sự háo hức, hân hoan, chỉ thấy khô khốc như thể mất hết xúc cảm với vạn vật. Dẫu đang ở thành phố của quê hương, trong ngôi nhà của mình, giữa nhịp sống thường ngày vẫn luôn như vậy, bà Nguyện vẫn ngơ ngác như thể bị thả vào một không - thời gian lạ lẫm.
Cuộc đời đặt bà vào vai trò cầm cương trong mọi sự. Ngay cả với người chồng đã mấy chục năm ly biệt hay với đứa cháu bà nuôi nấng từ ngày thơ trẻ, bà cũng là người lo toan cho đại sự của họ. Đổi lại, những vấn đề cá nhân của bà như đầu gối bầm tím cả tuần không khỏi hay tâm trạng rối bời làm bà mỏi mệt cũng chỉ mình bà xử lý. Không ai để tâm, không ai phát hiện, không ai sẻ chia với bà.
Bà Nguyện là hiện thân của lớp người lớn tuổi cô đơn giữa đời sống thị thành chảy trôi vội vã, vắng bóng bạn đời và đứt gãy kết nối với người thân xung quanh. Từ nước ngoài trở về quê nhà, rồi từ căn nhà ven sông đi lên nhà máy thủy điện trên vùng trung du và tìm vào rừng sâu, "chuyến đi thật xa" của bà Nguyện phản ánh hành trình về nguồn của bà.
Đối với người đàn bà đôi mắt trũng sâu, mặt hằn vết tích cuộc đời, hiện tại thật khó khăn để hòa nhập, trong khi quá khứ cất tiếng mời gọi đầy luyến lưu. Nhưng có lẽ chẳng cần đợi tới khi bước sang phía bên kia con dốc của cuộc đời, người ta mới đồng điệu với hành trình của bà Nguyện. Tâm lý ngoái nhìn ngày xưa, nhớ mong quá vãng hay trạng thái bất chợt mất hết kết nối với mọi thứ xung quanh, đứng giữa đám đông vẫn chỉ thấy "một mảnh tình riêng ta với ta", dù tuổi nào cũng đôi khi xuất hiện.
Bà Nguyện đứng trước dòng sông Đà ầm ào cuộn chảy là cảnh tượng hùng vĩ, tráng lệ nhưng đơn độc. Như đôi câu thơ "Chúng thủy giai đông tẩu/ Đà giang độc Bắc lưu" trong phần đề từ của truyện Người lái đò sông Đà đã nói, mọi dòng chảy trên đất Việt đổ về biển Đông, riêng sông Đà ngược lên phương Bắc. Điều ấy ẩn dụ cho câu chuyện của bà Nguyện: giữa muôn người sống ở hiện tại hay mong cầu tương lai, bà cứ mãi ngóng nhìn quá khứ.
Cậu bồi bàn trẻ tuổi và con cu li là hai hình ảnh tương đồng trong tâm trí bà Nguyện. Con cu li, kỷ vật duy nhất của người chồng quá cố, cho bà cảm giác níu giữ bóng hình người thương. Còn cậu trai kia gợi nhắc bà về một thời tuổi trẻ tự do và sôi nổi.
Dù vậy, bà không mù quáng chìm vào những điều đã cũ không thể lấy lại. Đến phút sau cùng, bà chọn cách làm hòa với bản thân ở hiện tại và tương lai. Màu phim đen trắng diễn tả nỗi niềm của nhân vật một cách hiệu quả, kéo người ta chìm vào chiếc hộp phức cảm của bà, nhưng không gây nặng đầu hay buồn ngủ.
Sự tương đồng của Thương Tín trong phim và ngoài đời
Nghệ sĩ Thương Tín vào vai một người bạn cũ, cũng là thông gia của bà Nguyện. Ông xuất hiện khoảng vài phút nhưng vai diễn có sức nặng với câu chuyện. Nhân vật của ông ngồi xe lăn, thể trạng yếu, được chẩn đoán chỉ còn sống được hai tháng vì mắc ung thư. Trong đoạn thoại nhọc nhằn với bà Nguyện, ông nói: "Có những chuyện tưởng chỉ có trong phim Hàn, lại xảy ra với tôi".
Hình ảnh và câu nói trong phim phần nào gợi nhắc câu chuyện của Thương Tín ngoài đời. Ông đóng Cu li không bao giờ khóc khi vừa trải qua đột quỵ, tinh thần tỉnh táo nhưng giọng nói ngọng. Biến cố sức khỏe và sự sa sút về kinh tế khiến tài tử hào hoa thuở xưa trở nên tiều tụy, cực khổ.
Cùng với NSND Minh Châu và nghệ sĩ Thương Tín, bộ phim còn có hai tên tuổi gạo cội khác của phim Việt - nghệ sĩ Quốc Tuấn và NSƯT Thanh Hiền. Từng người trong số họ được đặt vào nhân vật vừa vặn, để họ tỏa sáng dù xuất hiện xuyên suốt phim hay chỉ lên hình chóng vánh. Điểm trừ là một vài câu thoại của họ thiếu tự nhiên trong câu từ, lộ tính sắp đặt, diễn giải của biên kịch.
Đọc thêm: NSND Minh Châu khóc khi gặp lại nghệ sĩ Thương Tín
Cảm giác chênh vênh mang tên tuổi trẻ
Đối trọng với bà Nguyện là Vân, cô gái trẻ có tuổi thơ thiếu vắng tình thương cha mẹ và đang bước vào thiên chức người mẹ ở tuổi chớm ngoài đôi mươi. Vân và bà Nguyện xưng hô dì - cháu nhưng sự gắn kết, cách ứng xử không khác gì mẹ và con.
Giống như bao cặp cha con, mẹ con của đời thực, càng thương nhau, họ càng dễ buông lời gắt gỏng và khó tỏ bày thương yêu. Dì nói một câu, cháu cãi một lời. Dì giận dỗi vì cháu giấu chuyện bầu bí. Cháu tự ái vì dì không bao giờ hiểu cho mình. Nhưng sau cùng, máu mủ ruột rà là thứ chẳng thể thay đổi hay lựa chọn. Câu xin lỗi vẫn khó tỏ thành lời nhưng một vòng tay ôm xiết hay câu hỏi thăm bâng quơ cũng đủ làm họ hòa giải và "như chưa hề có cuộc cãi nhau".
Chuyện giữa Vân và Quang nhuốm màu mối tình gà bông - như cách nói vui của thế hệ 8X, 9X hồi tuổi teen. Còn theo ngôn ngữ gen Z, Vân chọn yêu một cậu Hồng Hài Nhi. Họ đến với nhau khi cả hai đều trẻ người non dạ. Có những chuyện đôi trẻ đã thỏa thuận nhưng bất chợt bị thay đổi bởi một câu nói từ mẹ Quang. Có những việc cả hai đều mong muốn nhưng dè dặt không dám thưa gửi.
Dạm ngõ chưa xong, Vân đã thút thít nhờ cậy dì Nguyện giúp để được sinh sống ở thành phố. Dạm ngõ vừa dứt, Quang đã lăn tăn hỏi bạn: "Tao có nên cưới không nhỉ?". Chưa lo được cho bản thân thấu đáo đã được trao trách nhiệm làm mẹ, làm cha, cả Vân và Quang đều rơi vào trạng thái chênh vênh giữa tuổi trẻ.
Khán giả và chính nhân vật đôi khi đặt câu hỏi họ có muốn về chung một nhà thật không, hay chỉ vì đứa bé lớn dần trong bụng Vân mà buộc phải làm đám cưới. Hình ảnh Quang vô tư ăn kem trong khi bạn gái khệ nệ bê khay đồ ăn ít nhiều gây cười và cho thấy Quang hãy còn là một cậu nhóc chưa trưởng thành. Nhưng ở buổi chọn nhẫn cưới, giây phút Quang giới thiệu vợ sắp cưới với người bạn thân hay khoảnh khắc anh hát tặng Vân trong tiệc hỷ, sự chân thành, tỉ mỉ của anh đủ khẳng định tình yêu chân thành.
Cái nhìn văn minh về người khuyết tật
Ở kịch bản ban đầu, Cu li không bao giờ khóc chỉ có một nhóm nhân vật khuyết tật là ban nhạc trình diễn trong chương trình văn nghệ xóm. Ấn tượng vẻ đẹp của người mẫu khuyết tay Hà Phương, đạo diễn Phạm Ngọc Lân mời cô đảm nhận vai Vân. Ngoài ra, phim có thêm nhân vật ông Sinh (Thương Tín đóng) ngồi xe lăn và một vai quần chúng là người khuyết tật được người khác cõng vào đám cưới.
Dù vậy, câu chuyện không khai thác khiếm khuyết cơ thể hay bất tiện trong đời sống của nhóm nhân vật này. Vân làm mọi việc thường ngày một cách bình thường, từ dọn rửa bát, bê khay nước đến chăm trẻ. Những người xung quanh dù quen biết đã lâu hay mới gặp lần đầu cũng không thể hiện vẻ bất ngờ hoặc ái ngại về ngoại hình của cô.
Đây là cách tiếp cận mới của điện ảnh với các nhân vật khuyết tật. Cu li không bao giờ khóc cũng là phim hiếm hoi mời diễn viên khuyết tật đóng vai khuyết tật, thay vì hóa trang cho diễn viên không khuyết tật như cách nhiều phim trên thế giới hay làm. Lựa chọn này cho thấy góc nhìn văn minh, cách cư xử bình đẳng của người làm phim đối với một nhóm người yếu thế trong xã hội.
Phim hiện chiếu rạp toàn quốc.
Phong Kiều