Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian qua, việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Đáng chú ý, bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi nhấn mạnh, kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế khu vực biên giới diễn ra sáng nay 16/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics); các hạ tầng thương mại biên giới (như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại) phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm. Những tồn tại trên xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan như: Thiếu vốn cho đầu tư phát triển; kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…). Về góc độ nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng đó là vấn đề thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch hạn chế; thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới. “Cùng với đó, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm. Thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu ra một loạt giải pháp cần thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới. Giải pháp quan trọng đầu tiên là cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp – thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển công nghiệp – thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là đô thị và công nghiệp thương mại; huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới… Ông Nguyễn Hồng Diên cũng đề cập tới yêu tố tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch; hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới. "Có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước; cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển...", ông Nguyễn Hồng Diên nói.
|