Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của hai địa phương này tính đến tháng 7/2023 lần lượt đạt 23,6 tỷ USD và 20,6 tỷ USD, đứng thứ nhất và thứ hai cả nước. Theo sau là Bình Dương, với kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 17,34 tỷ USD. Về nhập khẩu, 5 địa phương có kim ngạch nhập khẩu cao nhất cả nước 7 tháng đầu năm lần lượt là TP. Hồ Chí Minh (31,1 tỷ USD), Hà Nội (20,2 tỷ USD), Bắc Ninh (17,5 tỷ USD), Bình Dương (12,2 tỷ USD) và Hải Phòng (11,4 tỷ USD).
Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò là địa phương đi đầu cả nước về xuất nhập khẩu. Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, TP. Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước với 47,5 tỷ USD. Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, xuất nhập khẩu của TP Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn và bị suy giảm. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của thành phố đã giảm 5 tỷ USD. Sự suy giảm này có nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới đang phải chịu tác động mạnh mẽ từ các xung đột địa chính trị, lạm phát toàn cầu tăng cao khiến người tiêu dùng "thắt chặt hầu bao" gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng 6/2023 cho thấy có đến 30-50% doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là ngành da giày, may mặc với doanh thu giảm từ 30-50%; sản xuất kinh doanh ngành gỗ giảm 31%; ngành cao su-nhựa giảm doanh thu 20%, giảm lao động 30% do đơn hàng giảm sâu. Đặc biệt, ngành thép thể hiện sự khó khăn nhất khi có tới 95% số doanh nghiệp báo lỗ, doanh thu giảm từ 40-50% và hàng tồn kho ngày càng tăng lên, sức mua nội địa giảm. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất lãnh đạo thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp một cách phù hợp và có tác dụng thực tiễn, như hỗ trợ cho doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, xúc tiến sang các thị trường mới, tham gia, tổ chứ các hội chợ, triển lãm. Doanh nghiệp cũng phản ánh hiện này việc xác minh hóa đơn và nguồn gốc của hàng hóa bị chậm trễ ảnh hưởng đến việc hoàn thuế, khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay xở nguồn vốn kinh doanh và trả lương cho người lao động. Do đó, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất tháo gỡ nhiều thủ tục liên quan đến thủ tục hành chính như thủ tục cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp sử dụng đất trong các khu công nghiệp, cùng nhiều thủ tục khác có thể được rút ngắn để doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện sản xuất kinh doanh… Về phía Bộ Công Thương, để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá cho TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, từ ngày 13-15/9/2023 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương sẽ chủ trì tổ chức chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế Chuỗi sự kiện bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo 2023. Sự kiện nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thời gian cuối năm. |