Công nhân lĩnh vực dệt may. Ảnh: XC |
Chị Cù Thị Thới, quê Sơn La, đang làm tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội cho biết: "Năm nay kinh tế khó khăn, công nhân không được tăng ca, thậm chí phải nghỉ luân phiên. Đến cuối năm nay, tình hình có đỡ hơn, thu nhập mỗi tháng được khoảng 8-9 triệu đồng. Với số tiền này, chỉ đủ cho chúng tôi trả tiền trọ, ăn uống, mua đồ sinh hoạt cá nhân. Do đó lương tối thiểu vùng tăng là thông tin tốt với chúng tôi, nhưng công nhân chúng tôi sợ nhất là lương tăng kéo theo giá cả tăng".
Còn anh Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng: "Tăng lương tối thiểu vùng, công nhân có thu nhập thấp như chúng tôi sẽ được thêm một khoản thu nhập, tính ra cả 2 vợ chồng tăng khoảng thêm hơn 500.000 đồng, giúp cải thiện thêm mức sinh hoạt".
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp – Khu chế xuất Hà Nội cho rằng: Với công nhân, mức tăng lương tối thiếu vùng rất đáng quý bởi nhiều nơi, chủ sử dụng lao động chỉ trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng và cộng thêm là các khoản làm thêm giờ, phụ công. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất với công nhân lao động là tăng giá tiêu dùng. Do đó rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước.
Về mức tăng 6% ở góc độ đại diện người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận, mức tăng 6% là phù hợp trong bối cảnh người lao động rất chia sẻ với doanh nghiệp.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, tình hình năm 2024 còn rất khó đoán định. Nhưng với tinh thần chia sẻ, cùng hành động, bên cạnh việc đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên người lao động nâng cao năng suất cùng với doanh nghiệp vượt khó. Công đoàn cũng mong muốn trong thời gian tới các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường để tăng thêm đơn hàng, có việc làm cho người lao động.
“Mức tăng lương tối thiểu 6% cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhất là vào dịp giáp Tết đối với những mặt hàng thiết yếu thì người lao động tiếp tục gặp những khó khăn. Nhưng trong điều kiện doanh nghiệp còn đang thiếu nhiều đơn hàng, chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ và chắc chắn rằng người lao động cả nước cũng sẽ như vậy, để chúng ta cùng nhau có những kết quả tốt hơn trong năm tới”, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn nhìn nhận, với mức tăng 6% được xem xét thấu đáo về nhiều vấn đề, đồng thời có xem xét tới ngắn hạn, trung hạn và khoảng 2 năm sau.