Lỡ hẹn
Thông tin mới nhất do ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nêu ra tại cuộc họp giao bán tháng 5 của Bộ Công Thương, tại các địa phương trọng điểm tỷ lệ đạt cao, còn các tỉnh không thuộc vùng trọng điểm đạt 20-30%. Cụ thể, đến cuối tháng 4-2016 tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cần Thơ đã thay thế hoàn toàn xăng E5, TP. HCM là 60%, Hải Phòng là 20%, Hà Nội đạt 27%, các tỉnh khác chỉ khoảng 20%. Về nguồn cung, theo ông Cường, hiện có 2 nhà máy là Tùng Lâm và Dung Quất với số lượng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, nguồn cung từ 2 nhà máy ở Bình Phước thuộc sở hữu công ty nước ngoài dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 tới đây. Như vậy, với tổng công suất cung ứng 240.000 tấn đủ pha chế 5 triệu tấn xăng E5, đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường. Tuy nhiên, khó khăn trong việc triển khai đại trà xăng E5 được ông Cường chỉ ra chính là do cách tính giá xăng E5 hiện nay. Công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (khai khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn. “Nếu vẫn duy trì mức giá bán lẻ xăng E5 thấp hơn 500 đồng/lít so với xăng khoáng như hiện nay là chưa hợp lý. Mấu chốt là phải đảm bảo tính đủ chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia sản xuất lẫn cung ứng bán lẻ. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu đưa ra công thức tính giá riêng cho xăng E5. Nếu thời gian tới, Bộ Tài chính không sớm đưa ra công thức tính giá riêng cho xăng E5 thì sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối”, ông Cường nói. Không chỉ là công thức tính giá Với ý kiến của Vụ Khoa học và Công nghệ, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trong quy chế phối hợp, quyền hạn của Bộ Tài chính là xây dựng giá xăng E5 nhưng Bộ Công Thương cũng có vai trò quan trọng. Do đó, câu chuyện không đơn giản chỉ là tính giá cơ sở cho xăng E5 mà cần rà soát lại tốc độ thực hiện Quyết định 53 của Chính phủ về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Cụ thể, cần kiểm tra lại các con số ở các địa phương xem mức độ chính xác đến đâu, thực tế sử dụng như thế nào hay chỉ là đầu số cây xăng. Ngoài ra, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng cần đánh giá tính khả thi khi sử dụng xăng sinh học E5, từ đó đề ra chính sách mới, cơ chế mới để có kế hoạch, biện pháp đưa xăng E5 ra thị trường với sự đồng thuận xã hội và người tiêu dùng. Nếu chỉ nêu ra tiêu chí, mục tiêu mà không có giải pháp tiến trình sẽ rất khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, việc “vỡ mộng” xăng E5 không phải do vấn đề chưa có công thức tính giá. Vấn đề của xăng E5 là từ sản xuất cho đến phối trộn, phân phối. Thực tế, việc xăng E5 không được người tiêu dùng ưa chuộng là do giá cả không hấp dẫn, không cạnh tranh nổi với loại xăng truyền thống trong khi người tiêu dùng vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả. Giá thành sản xuất xăng sinh học E5 của Việt Nam quá cao do giá nguyên liệu cao, năng suất thấp cùng với công nghệ lạc hậu. “Phải giải quyết bài toán từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, phân phối để có sự tính toán về mặt giải pháp”, ông Long nói. |