VHO - Khu tái định cư (TĐC) An Dũng,ềthămngôilàngkiểumẫucủađồngbàoHrêkèo xiên huyện miền núi An Lão được xem là ngôi làng kiểu mẫu đầu tiên của đồng bào thiểu số tỉnh Bình Định.Về đây, chúng tôi cảm nhận không khí nhộn nhịp, đầy sức sống của mỗi con người. Xen lẫn giữa những ngôi nhà được xây dựng hiện đại là những căn nhà sàn truyền thống của đồng bào DTTS, tạo điểm nhấn độc đáo giữa núi rừng. Những ngày này, huyện miền núi An Lão luôn có những cơn mưa giông lớn bất chợt và vệt nắng xuất hiện cuối chiều như làm dịu không khí của vùng đất nơi đây. Sau 4 năm rời làng, những khó khăn, bỡ ngỡ ở vùng đất mới đã được đổi thay và cộng vào đó là nhịp sống rộn rã đầy sắc màu tươi mới. Đâu ai nghĩ rằng, chỉ sau 4 năm về TĐC tại làng mới, cuộc sống của đồng bào Hrê xã An Dũng lại nhanh chóng ổn định và khởi sắc như vậy. Người chúng tôi gặp và trò chuyện là ông Đinh Văn Bình (đồng bào Hrê) thôn 2, xã An Dũng - người sống gắn bó gần hết quãng đời mình tại vùng đất An Dũng. “Làng cũ của bà con đã nhường mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án hồ chứa nước Đồng Mít. Khi mới về đây, cuộc sống của bà con rất khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã dần ổn định”, già Bình chia sẻ và nói, tuy về Khu TĐC mới nhưng đồng bào Hrê An Dũng vẫn giữ nét truyền thống làm nhà sàn. Người Hrê coi nhà sàn không chỉ là nơi ở mà còn là nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa như: Cúng ông bà, tổ tiên; cúng mừng gia đình găp điều may mắn trong cuộc sống, chào đón thành viên mới, cúng nước, cưới hỏi, ma chay, mừng khách đến nhà… Ông Đinh Văn Phiên, Chủ tịch UBND xã An Dũng cho biết: Nhờ sự quan tâm của tỉnh và huyện trong việc bố trí đủ đất lâm nghiệp, nông nghiệp cho bà con sản xuất, đến nay, đời sống kinh tế của người dân địa phương đã cơ bản ổn định. Có chỗ ở ổn định, bây giờ bám đất, bám ruộng, bám rừng và biết chăn nuôi, trồng trọt, biết buôn bán, kinh doanh để phát triển kinh tế hộ… Cuộc sống của bà con đang đổi thay từ ngày. Hồ thủy lợi Ðồng Mít có dung tích 90 triệu m3, với tổng mức đầu tư 2.142 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định, với mục đích góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội 4 huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn và Phù Mỹ. Khi thực hiện dự án này, có 890 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó có 478 hộ gia đình ở xã An Dũng phải di dời đến nơi ở mới. Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão chia sẻ: Trong quá trình triển khai cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người đắn đo, lo lắng về tương lai khi chuyển đến nơi ở mới. Nhưng nhờ cách làm công khai, minh bạch và mềm dẻo vận động nên bà con thấu hiểu, chấp nhận di dời đến nơi ở mới và xây dựng nhà cửa khang trang. Đối với đồng bào DTTS, vấn đề định canh là rất quan trọng và đã sản xuất thì phải sản xuất lúa nước mới ổn định, lâu dài, chứ để bà con làm rẫy sẽ dễ xảy ra tình trạng du canh du cư. “Riêng đối với đất ruộng, chúng tôi sẽ vận chuyển lớp đất mặt ở làng cũ về làng mới. Việc này vừa bảo đảm độ phì nhiêu cho đất ruộng mới, vừa giúp bà con đỡ nhớ nơi ở cũ, dù sao cũng còn đất của cha ông. Vậy nên, đồng bào ưng cái bụng lắm”, ông Đỗ Tùng Lâm chia sẻ thêm. Việc học tập của con em đồng bào Hrê tại Khu TĐC mới được quan tâm đầu tư. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được chính quyền địa phương chăm lo. Tại Khu TĐC An Dũng có trạm y tế xã bố trí bác sĩ, giường bệnh, vật tư trang thiết bị y tế đảm bảo, tổ chức tốt hoạt động khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 100% dân số. Các chính sách an sinh xã hội được xã quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Đến thời điểm này có thể nói, nhân dân xã An Dũng đã ổn định cuộc sống mới ở nơi TĐC. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con nay đã thay đổi nhiều. Và đây là một khu dân cư vùng DTTS kiểu mẫu của tỉnh Bình Định. |