(CMO) “Con bệnh phải không?”, bé Trần Anh Thư khẽ gật đầu. “Sáng con đã ăn gì chưa?”, Thư cúi mặt lắc đầu, giọng em buồn: “Ba con đi làm chưa có tiền, mẹ cũng không có tiền”. Còn cậu bé đen nhẻm ngồi kế bên, không mặc đồng phục, cúi ghì mặt xuống đất, trả lời những câu cụt ngủn: "không biết", "không tiền"... khi tôi hỏi bao nhiêu tuổi, cha mẹ con làm nghề gì, sao không mặc đồng phục?...Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Xuyên (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) Nguyễn Đại Thắng phân trần, Sơn Ngoan (cậu bé mới hỏi chuyện), thuộc diện hộ Khmer nghèo, cha mẹ bỏ đi tha hương, em sống với ông bà ngoại. Ông đánh lá mía, bà nhổ năn kiếm sống. Ngoài giờ học, Ngoan phụ bà lột năn, năm nay Ngoan mới vào lớp 1. Còn Anh Thư, nhà có 4 anh em, anh lớn học lớp 4 cùng trường, em kế học mầm non, út còn ẵm trên tay. Ba Thư làm hồ, cuộc sống chật vật, thuộc diện hộ nghèo. Năm học mới 2017-2018, trường Tiểu học Tân Xuyên đón 279 học sinh, có đến 10% trong số đó thuộc diện nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Phần đông còn lại, điều kiện kinh tế gia đình làm nông, làm mướn, hoặc sống với ông bà, thiếu sự quan tâm, giáo dục của người thân. Thầy Nguyễn Đại Thắng tâm tình, hoàn cảnh mỗi em là một câu chuyện. Phụ huynh đến ghi danh là ông, bà, cô, cậu hoặc cha mẹ thì khắc khổ... Bởi những hộ khá giả, có điều kiện hầu hết cho con đi học tại trung tâm thành phố. Chính điều này là một trong những khó khăn của công tác xã hội hoá giáo dục, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường chỉ có thể hỗ trợ khen thưởng tập, viết, còn những mặt khác rất khó vận động. Thế nên, năm học mới đã bắt đầu gần 1 tháng, nhưng ngôi trường nằm nép mình bên Quốc lộ 63, với diện tích chỉ hơn 1.500 m2 (khu chính) vẫn màu sơn cũ của nhiều năm trước, hệ thống đèn chiếu sáng lu mờ, hư hỏng chưa được thay mới, bàn ghế giáo viên, học sinh tuy được gia cố, sửa chữa, nhưng do sử dụng quá lâu nên chưa thể đáp ứng tối đa nhu cầu. Mời vị phụ huynh ngồi hàng ghế đá đang dõi mắt vào lớp 1D, thầy Thắng như minh chứng điều vừa chia sẻ. Đó là ông Dương Văn Luân, ông nội em Dương Hoàng Khang, học lớp 1D. Ông Luân chia sẻ, mẹ bỏ Khang lúc em mới 2,5 tháng tuổi, ba Khang ẵm em từ Bình Dương về giao cho ông bà nội nuôi rồi tiếp tục đi làm, Tết mới về thăm. Sống với ông bà nội, được đi học nhưng vì không điều kiện, mỗi ngày ông dẫn cháu đi bộ đến trường hơn 2 km. Bữa học 2 buổi, ông cháu cũng ráng đi nhanh cho kịp giờ. “Thiếu tình thương cha mẹ nên vợ chồng tôi ráng bù đắp. Nó ham học, tôi mừng. Cực chút cũng đáng”, ông Luân bộc bạch. Thầy Nguyễn Đại Thắng cho biết, trước đây trường có 1 điểm chính, 3 điểm lẻ, hiện nay đã xoá được 1 điểm lẻ ở Bạch Ngưu, còn lại 2 điểm thuộc Khóm 3, Khóm 4 (mỗi điểm 5 lớp) phục vụ con em địa bàn xã An Xuyên và phường Tân Xuyên nên không thể xoá. Vì các điểm lẻ cách điểm chính tới 6-7 km, nếu xoá, nguy cơ học sinh bỏ học rất cao.
Gắn bó với trường 23 năm, cô Nguyễn Kim Tươi bộc bạch, học sinh trường hầu hết là con hộ nghèo, thu nhập thấp nên ít được sự quan tâm, chăm sóc. Được tiếng là học sinh thành phố, nhưng điều kiện học tập rất nhiều khó khăn, thiệt thòi. Có em khi vào lớp 1, giáo viên phải cầm tay nắn nón từng con chữ mà cứ run, viết rơi khỏi tay. Nhiều trường hợp khó khăn bỏ học, thầy cô đến tận nhà vận động, xin tập sách cho em đến trường. Trời chuyển mây đen kịt, đến thăm điểm lẻ khu B thuộc Khóm 4, các lớp học tối sầm, cô trò vẫn miệt mài lên lớp. Cô Xuyên gắn bó với nơi này hơn 10 năm, trần tình: “Hệ thống đèn đã hư hỏng. Trời mưa to phải đóng hết cửa sổ vì mưa tạt gió lùa nên lớp học phải chịu mập mờ. Vì con chữ, cô trò cố gắng”. Giờ học thể dục không khá hơn. Bởi lớp chỉ vừa khởi động một vài động tác thì cơn mưa ập đến, khoảng sân vừa mới san lấp ngập ngụa nước, thầy trò đành vào lớp học lý thuyết. “Hồi trước khoảng sân này là cái ao, hè này mới được lấp lại. Có lẽ hết năm học, các em khu này vẫn phải chịu thiệt thòi vì không có sân chơi. Một phần vì chờ lún, phần vì chưa có kinh phí”, thầy Thắng trăn trở. Tôi được mời vào văn phòng. Gọi “sang” vậy, chứ phòng chỉ là mấy cái bàn học cũ ghép lại, không có bất cứ thứ gì trang trí (hoa, bình trà, hay sổ giáo án...). Và trần nhà chỉ có mỗi cây quạt. Cô Xuyên bày tỏ, khu này xây dựng hơn 10 năm, hiện có 4 lớp, với gần 100 học sinh theo học. Năm nay khang trang hơn nhiều, vì dẫu sao, cô trò không còn cảnh bì bõm xắn quần vào lớp, mà đã có được con đường bê-tông mới toanh chưa nghiệm thu, các lớp học cũng được nâng nền, lát gạch mới. Từ biệt thầy trò nhà trường, chợt thấy chiếc xe máy thầy hiệu trưởng có gắn 2 bình nước uống, tôi tò mò. Thầy Thắng cười: “2 điểm lẻ nằm sâu hút trong khu dân cư, không hàng quán nên cả thầy trò đều phải tự chuẩn bị nước uống cho mình. Sắp tới tôi sẽ bố trí 2 bình nước lọc phục vụ các em, sẽ đỡ nhọc hơn” Băng Thanh |