| Hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái . Ảnh T. H |
Không để tồn đọng ảo trên hệ thống Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đỗ Thanh Quang cho biết, đơn vị đang quản lý 13 cảng biển, 7 ICD, 17 kho ngoại quan, 12 kho CFS, 3 kho hàng không và hàng không kéo dài, 10 kho xăng dầu, 6 cửa hàng miễn thuế, 2 khu chế xuất và 1 khu công nghệ cao; kiểm tra giám sát tại 43 bến cảng, bến phao, quản lý, xử lý thông quan xuất nhập cảnh cho gần 10.000 lượt tàu biển và hơn 80.000 lượt chuyến bay mỗi năm. Trong thời gian vừa qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ mọi hoạt động liên quan đến phương tiện vận tải, hàng hóa, hành khách trong địa bàn quản lý. Đối với hoạt động chuyên chở, xếp dỡ hàng hóa của các hãng vận tải, Cục Hải quan TPHCM đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại chuyên đề với các hãng tàu biển và hãng hàng không để lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của nhóm đối tượng này. Thông qua việc tổ chức các hội nghị này, nhiều vấn đề phát sinh đã được giải quyết và cũng ghi nhận nhiều nội dung cần phải điều chỉnh về quy định cho phù hợp. Đối với hoạt động xếp dỡ, lưu giữ hàng hóa trên các cảng, kho, bãi, Cục Hải quan đã xử lý quyết liệt tồn ảo một lượng rất lớn container trên hệ thống VASSCM trong thời gian qua. Đơn vị đã thành lập các tổ công tác làm việc trực tiếp với các đơn vị kinh doanh cảng, thành lập nhiều nhóm trao đổi, hỗ trợ và làm việc liên tục để xử lý các dữ liệu tồn ảo trên hệ thống. Thay đổi phương pháp quản lý kho hàng Đáng chú ý, năm 2023, Cục Hải quan TPHCM đã thay đổi phương pháp quản lý đối với hoạt động của các kho, nhất là hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa các kho, số liệu quản lý của kho và đặc biệt là kiểm tra nghiêm việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh kho theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020. Không chỉ các kho ngoại quan, kho CFS, cửa hàng miễn thuế được kiểm soát chặt chẽ, tới đây, các trường hợp kho thuê ngoài của doanh nghiệp chế xuất, kho của doanh nghiệp chế xuất cũng sẽ được kiểm soát giám sát bằng camera. Đơn vị sẽ kiểm tra ngẫu nhiên dữ liệu ra vào kho và dữ liệu camera để đảm bảo tính chấp hành của doanh nghiệp kinh doanh kho. Về công tác kiểm tra giám sát trong quá trình xếp dỡ hàng hóa bằng biện pháp soi chiếu, Cục Hải quan TPHCM đã tăng cường chỉ đạo để tăng tỷ lệ soi chiếu. Thông qua quá trình soi chiếu, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm đã được chuyển thông tin cho chi cục xử lý trong quá trình thông quan hàng hóa. Đây là hoạt động vừa mang tính răn đe vừa thể hiện việc triển khai áp dụng công nghệ của Hải quan vào hoạt động quản lý giám sát hàng hóa trong quá trình xếp dỡ, vận chuyển. Đối với hoạt động vận chuyển độc lập, vận chuyển giữa các địa bàn giám sát hải quan, đơn vị đã triển khai tích cực việc áp dụng seal định vị điện tử và công tác giám sát hành trình. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên cho rà soát kiểm tra các trường hợp vận chuyển quá thời hạn cả chiều đến và đi trên hệ thống. Cục Hải quan TPHCM đã sử dụng hệ thống HCAS để tiến hành phân tích định kỳ hàng ngày (ở cấp chi cục) và hàng tháng (ở cấp cục) đối với tất cả các trường hợp trên hệ thống để kịp thời phát hiện ra các lô hàng đi vượt quá thời gian theo quy định và có biện pháp phối hợp xử lý. Trong quá trình thực hiện công tác giám sát quản lý hải quan, Cục Hải quan TPHCM cũng gặp những khó khăn và đã đề xuất, kiến nghị 5 nội dung để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Theo đó, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, các quy trình khi xây dựng cần đảm bảo dựa trên nguồn lực và điều kiện thực tế, nhất là khả năng đáp ứng của hệ thống công nghệ thông tin để không bị rơi vào tình trạng phải vận dụng cái không hoàn chỉnh có sẵn khiến làm phát sinh thêm nhiều hệ lụy khác;Đồng thời, các quy trình phải đảm bảo rõ trách nhiệm của hải quan, doanh nghiệp, có tính khách quan để triển khai được thuận lợi; các quy định cần dựa trên thực tiễn quản lý và nguồn lực hiện có để đảm bảo thực hiện có hiệu quả… |
|