(CMO) Nằm trong chuỗi sự kiện Tuần Văn hoá - Du lịch Bạc Liêu 2019, chiều 19/11, Sở Văn hoá - Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu kết hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, báo Nhà báo và Công luận tổ chức buổi toạ đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn người làm báo”. Tham dự buổi toạ đàm có Nhà báo Nguyễn Bé, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Cách đây 100 năm, trong tâm trạng nhớ nhung khi bị buộc phải xa người vợ hiền vì lễ giáo phong kiến khắc nghiệt “tam niên vô tử bất thành thê”, cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác bài "Dạ cổ hoài lang", khởi nguồn cho bản vọng cổ, “bài ca vua” của sân khấu cải lương, đưa nghệ thuật cải lương đến đỉnh cao rực rỡ.
Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng biên tập báo Cà Mau phát biểu tham luận tại buổi toạ đàm. |
"Dạ cổ hoài lang" được sáng tác trong một hoàn cảnh rất riêng, nhưng phù hợp với nỗi niềm của thời đại. Những người phụ nữ có chồng bị bắt lính đi tham chiến tại Pháp trong Thế chiến thứ nhất thấy gần gũi với tâm trạng của họ. Giai điệu “Từ là từ phu tướng/Bảo kiếm sắc phong lên đàng...” mỗi lần vang lên như tiếng lòng chinh phụ, nhanh chóng đi vào lòng người.
Phát biểu khai mạc buổi toạ đàm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang mong muốn, qua các hoạt động của Tuần Văn hoá - Du lịch gắn với sự kiện 100 năm ra đời bản "Dạ cổ hoài lang" sẽ tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh về văn hoá, du lịch của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, tác động qua hệ thống truyền thông sẽ góp phần giới thiệu để "Dạ cổ hoài lang" được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể trong tương lai.
Tham luận tại buổi toạ đàm, Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng biên tập báo Cà Mau, cho rằng: “Dù có viết thế nào, tiếp cận ở góc độ ra sao, thì luôn luôn phải có sự gắn bó máu thịt, không thể tách rời của cặp đối sánh Cao Văn Lầu - Dạ cổ hoài lang. Có những nhà nghiên cứu áp dụng các lý thuyết hiện đại, coi tác phẩm sau khi ra đời có cuộc sống riêng, sinh mệnh riêng, hoàn toàn không phụ thuộc vào tác giả sinh ra nó. Tuy nhiên, đây là một trường hợp đặc biệt, muốn hiểu Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, không cách nào khác là phải tìm đến "Dạ cổ hoài lang", và ngược lại…
Bài “Dạ cổ hoài lang” được biểu diễn tại buổi toạ đàm. |
Bán đảo Cà Mau là nơi khơi nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tạo nghệ thuật, các công trình nghiên cứu khoa học cho biết bao thế hệ con người. Chẳng phải người ta vẫn nhắc về bác Ba Phi, nghiên cứu về bác Ba Phi, những câu chuyện của bác Ba Phi vẫn tồn tại bất chấp biến thiên thời cuộc, bất chấp sự tàn phá của thời gian đó sao? Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bản "Dạ cổ hoài lang" có cuộc sống bất tử thế đó…”.
Ngoài buổi toạ đàm còn có biểu diễn nghệ thuật nhằm tôn vinh bản "Dạ cổ hoài lang" của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, kết nối từ giai điệu trong những ca khúc của Nhạc sĩ - Nhà báo Vũ Đức Sao Biển; Liên hoan Đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ XIV năm 2019 mở rộng.
Mã Phi