(CMO) Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/2/2007 về chiến lược biển Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% GDP; 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó ngành thuỷ sản giữ vai trò quan trọng. Lực lượng lao động ngành thuỷ sản của cả nước hiện có khoảng 5 triệu người, trong đó số lao động trên các tàu cá chiếm khoảng 15%.
Riêng địa bàn tỉnh Cà Mau, với lợi thế 3 mặt giáp biển, ngư trường rộng trên 80.000 km2, hoạt động đánh bắt xa bờ và lao động nghề cá không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn cho ngành đánh bắt thuỷ sản, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, quyền và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện chất lượng lao động nghề cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau chưa cao, phần do trình độ học vấn của ngư dân còn thấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế.
Chỉ 28% thuyền viên được đào tạo nghề
Dạy nghề cho ngư dân bám biển từ lâu được xem là việc làm ít người nghĩ đến. Bởi nghề “bà cậu” này được ví như nghề cha truyền con nối, người đi trước dạy người theo sau. Cứ thế, mọi kinh nghiệm, kỹ năng được hình thành qua từng tháng ngày trên biển. Những diễn biến thất thường của thời tiết, thiên tai, kinh nghiệm khó lường trước được, từ đó nhiều trường hợp đánh đổi bằng giá rất đắt - mạng người.
Với chiến lược biển, làm giàu từ biển đòi hỏi mọi thứ phải đổi khác. Từ nhận thức, tư duy của ngư dân đến việc tăng cường đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn tầm khơi, áp dụng các thiết bị giám sát, ngư cụ hiện đại. Mặt khác, nghề khai thác biển trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi việc dạy nghề đi biển cho mỗi thuyền viên cũng rất cần thiết. Ngư dân hiện đại không chỉ được trang bị máy móc, kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả, mà trên tất cả, họ cần được đào tạo bài bản, tập huấn nghiêm túc về chính cái nghề cha ông để lại.
Ông Đỗ Chí Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tỉnh Cà Mau hiện có 4.798 tàu cá, trong đó số tàu có công suất từ 20 CV trở lên là 3.512 tàu (loại tàu mà thuyền viên bắt buộc phải có chứng chỉ tương ứng). Lực lượng thuyền viên tham gia hoạt động khai thác hải sản trên các phương tiện này khoảng 24.000 người. Ngoài ra, tỉnh còn có hàng ngàn lao động ven biển làm việc theo thời vụ. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, tỉnh luôn xác định khai thác thuỷ sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Nên việc đào tạo chuyên môn cho lao động nghề biển luôn được Chi cục Thuỷ sản quan tâm thực hiện”.
Kiểm tra đi cùng với công tác tuyên truyền để mỗi chuyến biển đều an toàn cho ngư phủ. |
Song song đó, thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 đến nay, Chi cục Thuỷ sản đã phối hợp với các viện, trường tổ chức đào tạo được 165 lớp cho 6.768 lao động biển (chiếm khoảng 28%), chủ yếu là thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thuỷ sản, Trường Đại học Nha Trang đào tạo chứng chỉ chuyên môn cho 267 thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới nghề lưới vây, lưới rê, kỹ thuật bảo quản sản phẩm để phục vụ cho đội tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014.
“Thông qua các lớp đào tạo, ngư dân được trang bị kiến thức cơ bản phục vụ quá trình khai thác hải sản trên biển, góp phần tăng hiệu quả sản xuất, các kiến thức về phòng, chống bão, lốc và thiên tai xảy ra trên biển, quy định của các nước lân cận về khai thác hải sản... Ngoài ra, việc đào tạo nghề sẽ bổ sung được nguồn nhân lực đáng kể để thay thế cho số thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và người làm việc trên tàu cá hết tuổi lao động, hoặc đã chuyển sang nghề khác tại địa phương”, ông Sỹ cho biết thêm.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc dạy nghề cho ngư dân bám biển như đã nói chưa thể đáp ứng nhu cầu nhân lực nghề khai thác hiện tại. Lực lượng ngư dân, thuyền viên và cả chủ tàu rất cần được đào tạo, tập huấn về nhiều nội dung chuyên sâu khác, để tự tin vượt sóng vươn khơi.
Một thuyền trưởng tàu vận chuyển thu mua trên biển ở cửa biển Sông Đốc nói với tôi: “12 lao động trên tàu hàng năm đều được hỗ trợ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn về khai thác, bảo quản sản phẩm thuỷ hải sản, phòng chống cháy nổ trên tàu, cứu hộ, cứu nạn... Nhưng chúng tôi rất mong muốn được đào tạo với những lớp kỹ năng chuyên sâu, hiệu quả và mang tính ứng dụng thực tiễn cao hơn, đảm bảo những chuyến vươn xa an toàn”.
Còn đó nỗi lo từng chuyến biển
Đánh giá về lực lượng ngư dân đang hành nghề khai thác biển trên vùng biển Cà Mau (ngư dân Cà Mau), ông Đỗ Chí Sỹ thông tin thêm, hiện nay trình độ học vấn của ngư dân rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu khai thác, đánh bắt hiện đại và hướng tới thực hiện “Đề án khai thác viễn dương” của Chính phủ. Do đó, để đảm bảo ngư dân có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, hiểu biết được luật pháp Việt Nam và quốc tế, việc đào tạo nghề cho lực lượng thuyền viên là công việc hết sức quan trọng.
"Khi tay nghề của lực lượng lao động này được nâng lên, họ sẽ sử dụng và vận hành hiệu quả tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại, chấp hành tốt các chủ trương của Nhà nước… trong thời gian tới”, ông Sỹ khẳng định.
Ông Tr.V.H, chủ 3 tàu khai thác có công suất trên 20 CV ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, cho biết thêm: “Đã có quy định thuyền viên phải được đào tạo chuyên môn và cấp chứng chỉ. Nhưng thực tế, hơn 30 ngư phủ hoạt động trên đội tàu của tôi chưa thể đáp ứng. Phần đông họ có quan niệm đi biển theo kinh nghiệm và cần có việc làm, thu nhập. Còn việc học nghề thì rất khó khăn. Là chủ tàu, biết thế nhưng để tàu vươn khơi tôi vẫn phải dùng giấy tờ tuỳ thân của họ để đăng ký cho họ theo tàu. Vậy mà nhiều chuyến biển, đội tàu không đủ thuyền viên”.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng chức năng, như các trạm kiểm soát biên phòng cần kiểm tra chặt chẽ, tuyệt đối không cho tàu vươn khơi khai thác hải sản khi thuyền viên trên tàu chưa đủ chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế khó có thể làm được. Thượng uý Đỗ Văn Lanh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc, thông tin: “Qua công tác kiểm tra, rà soát tàu thuyền vươn khơi bám biển, hầu hết thông tin chuyên môn thuyền viên các đội tàu không đảm bảo. Nguyên nhân được xác định vì tâm lý phải tham gia học mất vài tháng, sẽ ảnh hưởng cuộc sống và thu nhập, phần chính quyền các cấp chưa thực sự quan tâm”.
Kiến nghị về vấn đề này, ông Đỗ Chí Sỹ nhấn mạnh: “Nhà nước cần quan tâm, đảm bảo được nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ cho đào tạo lao động biển, đặc biệt là đào tạo thuyền viên cho đội tàu cá đóng mới theo Nghị định số 67/2014 và sắp tới là Nghị định số 17/2018. Các tàu cá đóng mới này được trang bị các thiết bị hiện đại nên đòi hỏi ngư dân vận hành phải có trình độ tương thích mới phát huy hết hiệu quả”.
Rõ ràng dạy nghề cho ngư dân, thuyền viên không phải việc đơn giản, có thể thực hiện một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt từ các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể đến chính quyền cấp cơ sở... Nên chăng, sự liên kết này cần lấy chính ngư dân làm gốc.
Quan trọng hơn, cần thiết phải có sự khảo sát, điều tra cụ thể, chi tiết hơn về nhu cầu đào tạo của ngư dân. Qua đó, có chiến lược đào tạo nghề dài hơi, gắn kết với ngư dân vùng biển được xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động khai thác biển./.
Số liệu tổng hợp công tác đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg đến ngày 30/9/2018, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã mở được 8 lớp đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 và hạng 5 cho 280 người. |
Phong Phú