【necaxa đấu với querétaro】Thiếu giáo viên tiếng Anh cho học sinh tiểu học
(CMO) Thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án ngoại ngữ 2020), những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi có nhiều nỗ lực nhằm đưa tiếng Anh đến gần với học sinh tiểu học. Song, đến nay, để đạt được mục tiêu của đề án đặt ra vẫn còn là nỗi trăn trở của những người làm công tác giáo dục.
Tiếng Anh là một yêu cầu cấp thiết góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên các lĩnh vực, trở thành môn học được quan tâm. Tuy nhiên, đối với học sinh vùng nông thôn môn học này còn khá mới mẻ, việc tiếp cận tiếng Anh đối với học sinh tiểu học vẫn còn không ít bỡ ngỡ. Tại huyện Đầm Dơi, mặc dù đã là năm thứ 3 môn tiếng Anh được giảng dạy ở bậc tiểu học trong toàn huyện nhưng đến nay số tiết học chỉ thực hiện được 50% theo mục tiêu đề án đặt ra.
Hầu hết các trường đều tổ chức giảng dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần vì thiếu giáo viên. |
Từ những hạn chế mà nhiều trường đang đối mặt như nguồn nhân lực, trang thiết bị đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy và học của môn học này. Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đầm Dơi Nguyễn Thị Ngọc Tươi bộc bạch: “Trước đây trường có phòng ngoại ngữ, nhưng năm nay do lượng học sinh tăng lên, trường phải tận dụng phòng này để làm phòng học, nên giờ học tiếng Anh các em chỉ học trên lớp bình thường. Trường chỉ có 2 giáo viên dạy tiếng Anh nhưng số lớp học nhiều nên chỉ bố trí dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần. Để đảm bảo chất lượng cho môn học, nhà trường đang xin Phòng GD&ĐT tăng cường thêm giáo viên”.
Mặc dù đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy nhiều năm nay nhưng năm học này là năm đầu tiên nhà trường bố trí dạy 4 tiết/tuần. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chà Là Ngô Văn Huy cho hay: “Trường hiện có 2 giáo viên đảm nhiệm dạy tiếng Anh cho 13 lớp. Phải nhìn nhận rằng, khi tổ chức giảng dạy đủ 4 tiết/tuần các kiến thức của 4 kỹ năng được học sinh nắm bắt dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nay, hạn chế lớn nhất của nhà trường chính là chưa đầu tư được phòng học ngoại ngữ”.
Theo đề án, bắt đầu từ lớp 3, môn tiếng Anh sẽ được dạy 4 tiết/tuần. Mục tiêu đề án là sau khi hoàn thành chương trình môn tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể giao tiếp đơn giản bằng 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, 2 kỹ năng nghe và nói được tập trung. Sau khi học xong môn tiếng Anh cấp tiểu học, học sinh có thể đạt trình độ tiếng Anh bậc 1 của khung năng lực ngoại ngữ bậc 6 dùng cho Việt Nam.
Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, Phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi thành lập tổ bộ môn để sinh hoạt nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên hàng năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… Tuy nhiên, không ít giáo viên dạy tiếng Anh cũng còn rất áp lực trước phân phối chương trình hiện nay.
Cô Triệu Tố Anh, giáo viên Trường Tiểu học Chà Là, cho hay: “Một hạn chế làm khó giáo viên và người học chính là thời lượng học ngắn nhưng chương trình học lại dài. Có những bài kiến thức nặng, rất nhiều từ vựng học sinh không thể nắm hết trong 1 tiết học 35-40 phút. Theo phân phối chương trình này, giáo viên khó có thể đi sâu giảng kỹ cho học sinh”.
Đánh giá kết quả sau thời gian triển khai thực hiện Đề án giáo dục ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2008-2020, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi Võ Lợi thẳng thắn nhìn nhận: “Với tình hình thực tế như hiện nay, nếu đảm bảo đội ngũ giáo viên để bố trí 4 tiết/tuần thì chất lượng dạy và học tiếng Anh mới có thể từng bước được cải thiện. Toàn huyện có rất ít trường tổ chức dạy tiếng Anh 4 tiết/tuần, chủ yếu là 2 tiết/tuần. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của toàn huyện”.
Ông Võ Lợi thông tin: “Toàn huyện hiện có 40 giáo viên dạy tiếng Anh. Trong khi đó nhu cầu thực tế của toàn huyện cần thêm khoảng 15 giáo viên dạy tiếng Anh mới đảm bảo tổ chức dạy 4 tiết/tuần. Tuy nhiên, nếu trường bố trí 1 giáo viên thì thiếu, nhưng 2 giáo viên thì dư tiết dạy. Tình trạng này gây khó khăn cho địa phương trong bố trí giáo viên”./.
Đào Kim