(CMO) Đứng trước thực trạng bờ biển Tây xuất hiện nhiều vị trí sạt lở mới, đe dọa trực tiếp tới an toàn đê, UBND tỉnh Cà Mau đã đồng ý phương án thực hiện kè khẩn cấp của Công ty Thoát nước và phát triển đô thị bà Rĩa – Vũng Tàu. Đoàn khảo sát của Busadco cũng vừa đến khảo sát thực tế tuyến đê biển Tây Cà Mau.
Sau khi khảo sát thực địa, Busadco đã đề ra phương án khẩn cấp: dựng kè bảo vệ đê tập trung vào đoạn cửa Kinh Mới hướng về phía Đá Bạc. Tuyến kè này có chiều dài 1.200 m, làm bằng công nghệ kè bê tông cốt phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi.
Đoàn chuyên gia của Busadco khảo sát thực địa tuyến đê biển Tây đoạn Kinh Mới.
Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau đã đồng ý, thống nhất phương án của Busadco để bảo vệ khẩn cấp tuyến đê biển Tây ngay trong mùa mưa bão năm 2018. Phía Công ty Busadco sẽ thực hiện 2 phần công việc gồm: thực hiện bảo vệ đê hiện hữu đã nhận bàn giao mặt bằng từ ngày 28/7, cùng với đó là việc thi công ráo riết kè đê biển Tây và hoàn thành ngay trong mùa mưa bão năm 2018.
Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, hiện nay tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường, đang uy hiếp trực tiếp đến đê biển Tây. Nhiều đoạn đã sạt lở đến chân đê, nguy cơ vỡ đê rất cao. Để chủ động thực hiện khẩn cấp các giải pháp hộ đê, xây dựng kè bảo vệ bờ biển và đê biển Tây, nhất là tại một số đoạn rất xung yếu như: Nam Vàm Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời với chiều dài khoảng 900 m; đoạn phía Bắc và phía Nam cống Kinh Mới với chiều dài khoảng 1.200 m… UBND tỉnh Cà Mau đã có nhiều phương án chủ động trong thực hiện kè khẩn cấp. Trong đó, công nghệ kè bê tông cốt phi kim phá sóng, gây bồi tạo bãi là một phương án mang tính hiệu quả trong điều kiện nguồn ngân sách còn nhiều hạn hẹp như hiện nay.
Trước tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 795/QĐ-TTg ngày 29/6/2018 về việc hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương thuộc vùng ĐBSCL, trong đó có tỉnh Cà Mau. Nguồn vốn này nhằm xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển, nhất là các đoạn có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân./.
Lê Chí