BPO - Đang lướt Facebook thì tự dưng tôi thấy một fanpage đưa lên hình ảnh về hộp mứt tết nhiều sắc màu của ngày xưa,ớhộpmứttếtngagraveyxưnagoya đấu với gamba osaka kèm dòng chữ với đại ý rằng có bạn nào còn nhớ hộp mứt tết này không? Tự nhiên, tôi khựng người lại một chút…, cảm giác đầu lưỡi thèm vị ngọt của mứt hạt sen, mứt bí đao hay vị ngọt ngọt của những hạt kẹo trứng chim. Còn mũi như thoang thoảng hương thơm của từng sợi dừa non xanh, trắng, đỏ, vàng và vị cay cay của miếng mứt gừng nằm cuộn mình trong vòm họng… Tết ngày xưa lạ thật! Vì mỗi năm chỉ có 3 ngày tết mới được ăn bánh kẹo, mứt tết xanh, đỏ, tím, vàng nên hầu như ai cũng rất trân quý. Nhất là tụi con nít, bắt đầu từ 20 tháng Chạp trở đi là ánh mắt láu liên liếc nhìn chiếc giỏ của bà, của mẹ mỗi khi đi chợ về để thăm dò xem trong đó có mua mứt tết gì không? Thời của những năm một ngàn chín trăm hồi đó, ở quê tôi nhà nào cũng có một cái sập gỗ vừa làm giường ngủ hoặc chỗ ngồi ăn cơm và kiêm luôn nơi để thức ăn khô tránh côn trùng cắn phá. Và đặc biệt còn có thêm công dụng là cất giấu bánh kẹo, mứt tết, không cho bọn trẻ con chúng tôi ăn vụng trước tết. Vì tấm ván trên đó rất nặng so với sức của trẻ con. Thành ra mỗi khi thấy người lớn trong nhà mở nắp tấm ván ra để lấy hoặc cất thứ gì đó, là tụi con nít chúng tôi xúm lại quanh cái sập, nhìn bánh kẹo, mứt, hạt dưa, hạt bí với ánh mắt thèm thuồng và quay sang hỏi người lớn xem còn bao nhiêu ngày nữa mới đến tết để được ăn. Và cũng có khi tranh thủ người lớn không để ý, chúng tôi sẽ thò tay bốc một ít, rồi rủ nhau trốn vào một góc nào đó để ăn vụng. Thời đó còn quá nghèo nên một viên kẹo chanh cũng là một thứ xa xỉ. Thế nên, tết thấy nguyên cái hộp bày ra rất nhiều bánh kẹo, mứt, với đủ sắc màu là cả một thế giới ẩm thực hiện ra trước mắt chúng tôi, để được ăn trong cả 3 ngày liền mà không sợ người lớn la mắng. Đối với trẻ con thời đó, tết ngoài được mặc áo quần mới, được nhận lì xì thì có thêm niềm vui là khám phá những món mứt tết trong các hộp nhựa lung linh sắc màu và nhiều hình dạng khác nhau tùy mỗi nhà trang trí. Nào hình cánh hoa, nào hình chiếc lá, hình vuông, hình tròn, hình quả bầu, quả bí đủ cả. Dường như thế giới của trẻ con sẽ được thu nhỏ lại bằng chính hộp mứt tết đang đặt trên bàn và mỗi khi mở ra là cả một thiên đường ẩm thực trong đó. Mặc cho người lớn đang cười nói chúc tụng những câu chuyện của ngày đầu năm mới, trẻ con chúng tôi vẫn cứ mải mê dán mắt vào hộp mứt tết. Thế nên, thời đó nhà nào cũng chuẩn bị rất nhiều bánh kẹo, mứt, ngoài cúng tổ tiên còn lại là để mọi người thưởng thức, nhất là cho con trẻ được ăn bù cả năm thiếu thốn. Để rồi qua rằm tháng Giêng, tụi trẻ con lại nhìn lên bàn thờ xem còn sót lại hộp kẹo hay gói mứt gì không mà lấy xuống ăn tiếp… Đến khi trưởng thành thì cũng là lúc ba mẹ “nhường” lại phần sắm sửa đồ tết cho chúng tôi. Và dịp tết nào mẹ tôi cũng dặn: “Năm nay, mấy đứa mua bánh kẹo, mứt tết ít thôi nhé. Chỉ cần đủ đặt cúng các bàn thờ là được rồi, bây giờ chẳng ai ăn uống gì đâu. Mua sắm nhiều lãng phí!”. Bởi có những tết, bánh kẹo trên bàn thờ phải tới mấy tháng sau mới được đưa xuống. Vì chẳng ai còn thiết tha gì chuyện ăn uống, khi ngày thường cũng có thể thưởng thức các món ăn ngày tết. Trẻ con giờ đây chẳng còn thiếu ăn để phải thèm thuồng như xưa nữa. Và cả những hộp nhựa đựng mứt với bánh kẹo tết cũng được thay bằng chất liệu thủy tinh hoặc đồ giả gỗ sang trọng, đẹp mắt hơn xưa. Nhưng chắc rằng, nó không còn là “thiên đường ẩm thực” của tụi con nít bây giờ. Cũng có lẽ qua rồi cái thời thiếu ăn, khi xã hội đang qua một trang khác khởi sắc hơn. Thế hệ chúng tôi trưởng thành, cuộc sống vật chất tạm ổn hơn nên khi tết đến cũng nghĩ đến chuyện đi du lịch nhiều hơn là ăn uống. Nhưng đâu đó trong mỗi chúng ta, những món mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, những viên kẹo trứng, hạt sen quyện đường ngọt lịm được đựng trong mấy hộp nhựa nhiều màu sắc là cả một ký ức tuổi thơ tươi đẹp!. |