Thấp thỏm cùng nền kinh tế Dù 7-8 ngày nữa, Tổng cục Thống kê mới chính thức công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023, nhưng cánh nhà báo kinh tế vĩ mô đã bắt đầu thấp thỏm. Không biết quý II, rồi 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP được bao nhiêu? Liệu còn khó khăn nào ập đến với nền kinh tế?... Dù hôm Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương đầu tháng 6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, có những tín hiệu cho thấy, tăng trưởng GDP quý II có thể sẽ tích cực hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn phải nhìn vào con số thống kê cuối cùng. Thực hiện Luật Thống kê, dù Tổng cục Thống kê là một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng ngay cả Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng không có quyền can thiệp số liệu và cũng chỉ có thể tiếp cận số liệu chính thức vào “đúng ngày, đúng giờ”. Thế nên, tất cả vẫn đang phải chờ đợi. Không biết GDP sẽ tăng trưởng ra sao? Xuất nhập khẩu liệu có phục hồi? Còn bao nhiêu doanh nghiệp nữa phải đóng cửa, ngừng hoạt động? Chính phủ liệu có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không? Nền kinh tế, có thể nói, đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hơn cả thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009. Thậm chí, còn hơn cả 3 năm Covid-19 tràn qua. Hồi ấy, kinh tế dù khó khăn, dù có thời điểm sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, nhưng ánh sáng phía chân trời vẫn có. Vẫn có những niềm tin rằng, khi đại dịch qua đi, nền kinh tế sẽ phục hồi… Còn bây giờ, khó khăn bủa vây tứ bề. Doanh nghiệp khó khăn vì thiếu đơn hàng, thiếu thanh khoản. Thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… biến động bất thường. Sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu lâu nay cùng lắm chỉ là “giảm tốc”, thì giờ đây là sụt giảm, thậm chí sụt giảm mạnh và đến giờ vẫn chưa thể biết chắc rồi ngày mai sẽ ra sao. Đến kinh tế toàn cầu cũng đang rơi vào vòng xoáy suy thoái, nguy cơ đình lạm ngay trước mắt… Không nói tới những nhà báo, những người cầm bút luôn phải theo sát diễn biến của nền kinh tế để phản ánh, đưa tin, viết bài một cách nhanh nhất, chính xác nhất, có lẽ, chưa bao giờ doanh nghiệp và người dân lại quan tâm đến vậy trước mỗi chỉ số kinh tế vĩ mô. Thấp thỏm, âu lo, canh cánh chẳng yên lòng... Bởi nếu kinh tế khó khăn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đến cuộc sống của các nhà báo, của hàng chục triệu người dân đất Việt. Chỉ từ đầu năm tới nay, đã có hơn nửa triệu lao động bị mất việc, hoặc phải giảm giờ làm. Phía sau họ, là gia đình, người thân, là cuộc sống của biết bao người… Nếu vòng xoáy khó khăn vẫn tiếp tục, sẽ có thêm cuộc sống chỉ đau đáu vì cơm - áo - gạo - tiền… “Tình hình khó khăn lắm”. Giờ đi đâu, ở đâu, khắp làng trên xóm dưới, dù trong Nam hay ngoài Bắc, đều nghe câu nói ấy. Nhà báo là những người có cơ hội tiếp cận gần nhất những sự thật đó, nên nghe mà đau nhói trong tim. Sự thật từ trái tim Đi tìm sự thật vẫn luôn là mục đích tối thượng của người làm báo. Đưa sự thật đến với công chúng một cách nhanh nhất cũng chính là trách nhiệm của các nhà báo. Nhưng đâu mới là sự thật mà các nhà báo nên truyền tải? Một nhà báo lão làng, nhân dịp 21/6 năm nay, đã chia sẻ câu chuyện của Kenvin Carter, người đã đoạt giải thưởng Pulitzer vào năm 1994 nhờ bức ảnh chụp một con kền kền đứng canh một cô bé sắp chết đói ở Sudan. Rằng nhà báo này, sau những tháng ngày ngắn ngủi tận hưởng hào quang của giải thưởng, đã tự tìm đến cái chết bởi sự day dứt, ám ảnh khi nhận ra, chính mình cũng là một loại kền kền - kền kền truyền thông… Từ sau khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009 đến giờ, phóng viên kinh tế vĩ mô có rất nhiều “đất diễn”. Khi kinh tế trồi sụt, khi có quá nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tế, thì đấy chính là kho đề tài khổng lồ cho các nhà báo. Mỗi chỉ số kinh tế vĩ mô, dù là tăng trưởng GDP hàng quý, hàng năm, hay chỉ là chỉ số CPI, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… đều được các nhà báo thông tin nhanh nhạy và chính xác. Có những số phận doanh nghiệp được điều tra, làm rõ. Có các thương vụ được phân tích, mổ xẻ… Nhưng cũng có những nỗi buồn. Buồn vì kinh tế khó khăn, nên mỗi tháng, mỗi ngày, các thông tin tiêu cực là không ít. Có những doanh nhân“sụt hố sâu”. Có nhiều doanh nghiệp mắc bẫy. Có những liên minh ma quỷ lũng đoạn thị trường và xã hội. Công cuộc chống tham nhũng của Đảng đã phanh phui ra những mặt trái của xã hội và nền kinh tế… Rất nhiều nhà báo “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” đã tìm hiểu, điều tra, đi đến tận cùng của sự thật và đưa ra ánh sáng sự thật đó, được dư luận đánh giá cao. Nhưng giữa ranh giới mong manh của đúng - sai, thật - giả, cũng đã có những “kền kền truyền thông” xuất hiện… Lại có những nhà báo chọn cách viết tin, chọn đề tài, giật tít câu “view”. Hoặc chọn cách viết quy chụp, cảm tính, bi kịch hóa mọi chuyện… “Truyền thông nỗi sợ hãi” không phải là lựa chọn đúng. Đưa tin, viết bài mà lại vô cảm, thậm chí hỉ hả trước sự sụp đổ của mỗi doanh nghiệp không phải là cách làm hay. Phải thấy đó là niềm đau, là sự nhức nhối của nền kinh tế, của đất nước, để từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, chung tay tìm giải pháp xử lý. Nhà báo Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từng chia sẻ rằng, trong lúc này, khi Đảng và Chính phủ đang chỉ đạo khôi phục kinh tế, phải truyền được năng lượng tích cực, niềm tin, hoặc tham gia giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp. Đấy mới chính là sự thật mà các nhà báo cần tìm đến và đang tìm đến - sự thật từ trái tim. Bằng sự thật từ trái tim đó, biết bao năm qua, các nhà báo, giới báo chí đã đồng hành cùng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Giờ đây, hàng loạt vấn đề đang được các nhà báo phân tích, mổ xẻ… Từ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đến miễn giảm thuế giá trị gia tăng, các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Quốc hội đang thảo luận và sẽ sớm có quyết sách, một phần xuất phát từ các thông tin trên các phương tiện truyền thông. Và vẫn là giới truyền thông sẽ là những người đầu tiên đưa tin mừng tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nếu những cơ chế, chính sách đó được thông qua. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây khi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh, suốt những năm qua, báo chí đã phản ảnh các thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; để nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, các tấm gương điển hình trong đời sống… “Tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta không nên quá bi quan mà phải kiên định các mục tiêu lớn mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Thủ tướng nói và mong rằng, báo chí sẽ tiếp tục đồng hành với Đảng, Nhà nước tìm ra giải pháp đột phá, đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi và phát triển.
Mong muốn lắng nghe ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà báo
|