Nghịch lý của quy định thuế mới: Quý 4 lãi quá cao so với dự tính có thể bị phạt
Theo quy định mới nêu tại nghị định 126 được Bộ Tài chính trình và Chính phủ vừa ban hành hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12/2020, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm.
Giả sử năm 2020 doanh nghiệp A có số tiền thuế phải nộp (sau khi đã quyết toán tại thời điểm 30/3/2021) là 1 tỷ đồng thì theo Nghị định 126, tại thời điểm 30/10/2020, số tiền thuế phải nộp cho 9 tháng đầu năm không thấp hơn 750 triệu đồng – bất chấp lợi nhuận của 9 tháng đầu năm là bao nhiêu.
Còn tiền thuế quý IV, doanh nghiệp được nộp cho đến thời điểm quyết toán là 30/3 năm sau. Nếu nộp thấp hơn 750 triệu đồng thì số tiền còn thiếu sẽ bị tính phạt tiền chậm nộp cho đến nộp đủ.
Với quy định mới này, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể vi phạm quy định về thuế nếu như lợi nhuận quý IVvượt xa so với dự tính hoặc đóng góp tỷ trọng lớn vào lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm kết thúc 3 quý đầu năm (30/9), doanh nghiệp còn tiếp tục kinh doanh 90 ngày nữa, hơn thế nữa còn là khoảng thời gian kinh doanh cao điểm trong năm, nhiều dịp lễ, tết quan trọng, biến động chi phí lương, thưởng,...nên doanh nghiệp không thể có cơ sở để xác định kết quả kinh doanh và nghĩa vụ thuếcủa cả năm. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường nên việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng.
Thực tế là lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp có xu hướng tập trung vào quý IV, đặc biệt là một số ngành nghề như xây dựng, bất động sản. Khảo sát của chúng tôi tại 40 doanh nghiệp lớn nhất sàn HoSE – bao gồm phần lớn những đầu tàu nộp thuế của đất nước – cho thấy lợi nhuận quý IV luôn chiếm trên 25% tổng lợi nhuận cả năm, dao động từ khoảng 25,5% đến gần 30% trong những năm gần đây.
Việc dự tính đúng lợi nhuận luôn là bài toán khó. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết – luôn nỗ lực tăng tốc vào cuối năm để vượt xa kế hoạch đã đề ra. Nhưng quy định mới này lại vô tình triệt tiêu động lực tăng trưởng cao của doanh nghiệp.
Nếu dự tính không chuẩn thì sẽ bị phạt chậm nộp. Để không bị mang tiếng xấu là không tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế cũng như giảm thiểu việc bị phạt chậm nộp thì buộc doanh nghiệp phải nộp dôi ra để dự phòng cho quý IV. Điều này vô hình chung khiến doanh nghiệp bị chiếm dụng vốn khi mà phải nộp thuế trước khi mà doanh thu, lợi nhuận chưa phát sinh.
Một chuyên gia nhận định, trong môi trường kinh doanh biến động, có thể có trường hợp kết quả kinh doanh trong quý IV không tốt dẫn đến lỗ, làm kết quả kinh doanh cả năm thấp hơn kết quả kinh doanh lũy kế đến hết quý III.
Như vậy, kể từ thời điểm 30/10 hàng năm, doanh nghiệp đã nộp thừa thuế. Doanh nghiệp phải bù trừ số thuế nộp thừa với các nghĩa vụ thuế của năm sau hoặc chờ 6 tháng không phát sinh nghĩa vụ thuế mới được xin hoàn theo các thủ tục phức tạp.
Chính vì những bất cập này mà rất nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia hiện đã có kiến nghị ngành thuế sửa đổi để gỡ khó theo hướng thay vì 3 quý đầu năm tạm nộp 75% cả năm thì chỉ tạm nộp dựa trên kết quả thực tế của 3 quý.
Rõ ràng là nếu không sửa đổi thì doanh nghiệp lựa chọn cách nào thì cũng phát sinh một khoản chi phí không đáng có: hoặc chịu phạt chậm nộp do lợi nhuận quý IV quá cao hoặc bị chiếm dụng vốn do nộp trước cho chắc ăn.