Cà Mau là vùng căn cứ cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nơi đã từng đùm bọc, cưu mang, giúp đỡ, chở che, bảo toàn lực lượng cách mạng, trong đó có cả Trường Sư phạm Tây Nam Bộ (SPT3).
Suốt thời gian dài, có trên 550 cán bộ giáo dục và giáo sinh được đào tạo từ Trường SPT3, được những hạt gạo của người nông dân Cà Mau, Rạch Giá đóng góp nuôi dưỡng; những con cá, con tôm, những cọng rau được sản sinh ra từ lòng đất đã góp nhặt nuôi cả đoàn quân sư phạm trưởng thành tung cánh khắp miền sông nước Tây Nam Bộ trong những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến. Những năm giặc điên cuồng chà đi xát lại tìm diệt lực lượng cách mạng, nhưng Trường SPT3 được rừng đước, rừng tràm, được vườn dâu, vườn dừa giấu kín; được bảo vệ an toàn bởi “luỹ thép lòng dân”, bởi những tấm lòng trung hậu, cao thượng, tử tế, những tình yêu thương sâu đậm, sự hy sinh vô bờ của người dân quê.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ (bìa phải) và bà Phạm Kim Yến, Ban Liên lạc Trường SPT3 tặng quà cho gia đình ân nhân. |
Ðó là tấm lòng của bà con Nhà Hội đón nhận thầy cô vượt Trường Sơn về miền Tây gieo chữ. Bà con nơi đây vẫn còn nhớ rõ thầy Bảy Tân (năm nay đã 83 tuổi); cô Bảy Yến ngày xưa mặc áo bà ba nghiêng vành nón, duyên dáng làm sao trên chiếc xuồng ba lá; thầy Ba Khôi có bàn tay tài hoa cắt ra những con rồng, con phượng đẹp vô cùng. Cô Phụng Anh còn nhớ bà con Nhà Hội đã từng chắt chiu những lon sữa để cô nuôi em bé ra sao… Ðã hơn 40 năm rồi, bà con nơi đây người già thì đã khuất, lớp trẻ thì phân chia tứ tán. Rất may, hôm họp mặt mời được chị Thanh Xuân, con bác Chín Luôn - người Bí thư Chi bộ Nhà Hội thuở ấy.
Là tấm lòng của bà con kinh Tuần Thơm, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và của bà con kinh Ông Ðơn, kinh Năm Cạn, Rạch Vọp và rạch Lô Ráng, Năm Căn - Cà Mau đối với các lớp cán bộ quản lý giáo dục.
Ðó còn là tấm lòng của người dân xóm nhỏ heo hút, nơi xứ sở bồn bồn Cái Keo (Ðầm Dơi) suốt 2 khoá từ 1964-1966 bảo vệ, chăm lo thầy cô giáo, anh chị em học viên từng con cá, cọng rau, tuy cuộc sống của bà con còn lắm gieo neo…
Ðó là rừng tràm, vườn dâu của U Minh anh dũng đã từng che mắt giặc trong năm Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Ðó còn có tấm lòng của người dân miệt rừng đước những năm chiến tranh ác liệt. Chiến dịch "Hạm đội nhỏ trên sông", biệt kích Mỹ luồn sâu vào vùng căn cứ, trực thăng đổ quân, nhảy dò, B52 rải thảm, pháo từ hạm đội ngoài biển bắn vào, từ căn cứ hải quân Năm Căn bắn ra… lung Cá Trê, kinh Bông Súng bà con giữ “miệng hang”, cho gánh Hội hoạ Khu từng ở và giờ đây Trường SPT3 những ngày đầu nương náu, tá túc để xây cất trường. Suốt 2 khoá học, từ đầu năm 1969 đến cuối 1970 bí mật được giữ kín. Ðó chính là gia đình bác Mười Nghiệp, bác còn có 2 người con trai đều ở trong đội săn tàu và đánh chìm nhiều tàu giặc trên sông Tam Giang, đánh nhiều trận càn vào vùng Nhà Hội, Kinh 17 bảo vệ an toàn cho Nhân dân, trong đó có cả Trường SPT3.
Ðó còn là tấm lòng của người Bàu Hang, xã Nguyễn Huân (Ðầm Dơi) sẵn sàng cho mượn đất cất trường, sẵn sàng cho cá, cho tôm, cho rau…, sẵn sàng giữ bí mật cho trường dù biết bản thân mình phải chịu đau thương mất mát. Chú Tư Cường (người cho trường mượn đất), sau này chia sẻ: “Chú im lặng không nói ra vụ con chú chết vì nổ súng của trường, chú sợ lộ bí mật, trường phải dời đi không có lợi, nếu có nói thì con chú cũng không còn…”. Một câu nói chân chất, thật lòng của một lão nông mà sao ẩn chứa một tấm lòng cao thượng, một việc làm tử tế vô cùng. Nhưng rất tiếc, chú Tư đã đi xa, cách đây vài tháng, giờ chỉ có thím Tư Trần Thị Ảnh đến dự buổi họp mặt của trường.
Ðó còn là giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo của người mẹ khi nhận ra đứa con nuôi là liệt sĩ Nguyễn Minh Chí trong cuốn Hồi ký “Trường Sư phạm Nam Bộ dấu ấn cả đời tôi”. Má Quách Thị Sánh đã nhờ phóng tấm hình bạn Chí lớn lên để hôm sớm Chí được ở bên má. Má kể, hồi ấy má cũng đi làm cách mạng, nghèo lắm, má chỉ có tấm lòng, má đã là chỗ dựa tinh thần cho các bạn khoá 74-75 khi xa nhà!
Ðó còn là tấm lòng người dân Kinh 5 Ðất Sét, nơi cựu học viên của trường là Huỳnh Thu Ðông đã hy sinh, nơi thầy Hồ Thiệu Hùng bị thương phải “lang thang qua các bệnh viện” suốt 233 ngày; là tấm lòng gia đình chú Ba Ân (xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi), người đã đem hài cốt thầy Bảy Minh về và thờ cúng nhiều năm trời…
Xin thưa cùng bà con rằng, chúng tôi - những học viên của Trường SPT3 - dù thời gian xa cách đã hơn 40 năm, vẫn nhớ về trường xưa, vẫn nhớ về tình đất, tình người Cà Mau và người dân vùng giải phóng những nơi trường đã đóng quân.
Xin mượn lời Nhà thơ Chế Lan Viên để nói hộ nỗi lòng:
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn”./.
Bài và ảnh: Huỳnh Thị Mỹ Huê