Đêm. Trời nổi mưa giông.
Gió giật. Mái nhà bị tốc,úbéchăntrâuvàngôitrạngnguyêlịch đá bóng real madrid những cây tre bị gió đè xuống, bị vặt từng chùm lá và tung lên giữa bầu trời. Trong nhà, hai mẹ con Phạm mẫu ôm chặt lấy nhau. Nghe có tiếng kêu răng rắc ngoài sân, ánh chớp qua khe cửa liếp bà thấy chuồng trâu đã bị sập.
- Ưởng ơi, trâu sổng rồi.
Ưởng, đứa con trai cùng mẹ đội chiếc nón tơi chạy ra sân. Giữa mịt mùng giông mưa, hai mẹ con bổ đi tìm trâu. Mầy mò, lùng sục gần đến sáng, cuối cùng đã tìm được trâu đứng dưới gốc cây đa trú mưa. Con vật của nhà nghèo cũng phải khôn như chủ.
Phạm mẫu là con gái làng Thượng bên kia sông Bằng Hà sang lấy chồng ở Xác Khê. Mong mỏi mãi, đến năm Tỵ (1521) mới sinh con trai. Ông thầy đặt tên là Phạm Duy Ưởng, bảo:
- Rồi thằng bé này sẽ có công nghiệp như Vệ Ưởng đời xưa ở bên Tàu.
Tình vợ chồng đang nồng nàn hương lửa thì chồng mất, để lại cho nàng đứa con trai sáu tuổi và gia sản chỉ một con trâu.
Trong làng có người nhà giàu thấy Phạm mẫu tuy có một con, nhưng giòn giã lắm, lại goá chồng đã bóng gió xa xôi đánh tiếng hỏi về làm lẽ. Một hôm ỡm ờ đến nhà thấy nàng ở một mình, lão lả lơi bỡn cợt. Ưởng chăn trâu về trông thấy, từ xa cất tiếng quát to “Con trâu này, hôm nay về tao phạt vì tội vơ lúa ngoài đồng”. Nghe tiếng, lão nhà giàu cảm thấy xấu hổ thẹn quá rồi chuồn mất.
Người nhà giàu ấy từng làm phó lý, gọi là phó Hĩnh. Học hành dốt nát, nhưng hợm hĩnh. Cụ tổ năm đời bị thất lạc mới tìm thấy chẳng biết đúng sai, lão cho xây lăng mộ hết gần một sào ruộng cạnh đường lên phủ. Dân chín xã trong tổng An Điền trông thấy cảnh kẻ ăn người ở, thợ xây đắp hàng tháng trời mà tối cả mặt mày. Công việc xong xuôi, Hĩnh cho người đục hai tấm biển “hạ mã” (xuống ngựa) đặt ở hai đầu đường, có ý là nhắc nhở người cưỡi ngựa qua đây phải xuống dắt bộ cho kính cẩn. Khốn nỗi, không phải đường cái quan, nên hàng nửa năm mới có ngựa đi qua thường là ngựa chở hàng chứ không ai cưỡi. Trẻ trâu đùa nghịch lấy đất bùn trát lên che kín mặt chữ nhem nhuốc. Chuyện biển hạ mã tưởng chìm trong giấc ngủ quên nào ngờ cũng có hôm thức dậy.
Chiều chạng vạng, một đứa trẻ ngồi trên lưng trâu về làng. Thằng bé đứng thẳng lên giống như người làm xảo thuật. Khi vừa ra khỏi khu vực đất cấm, thì nghe có tiếng quát:
- Ê, thằng bé kia, dừng lại.
Cậu bé cưỡi trâu chính là Ưởng; nghe thấy nhưng cứ thúc trâu đi, coi như không biết gì. Một gia nhân của Hĩnh chạy sấn đến chặn.
- Thằng bé này con nhà ai mà hỗn…?
- Tôi làm gì mà bác bảo hỗn? Ưởng cứ đứng trên lưng trâu nói chõ xuống.
- Mày không biết phạm tội gì à?
Ưởng làm bộ ngớ ngẩn:
- Không biết. Tôi đi chăn trâu về, bác xê ra để tôi về không trời tối.
Chính lúc ấy, phó Hĩnh khệ nệ đi qua. Ông quát hỏi:
- Có chuyện gì thằng Nô?
- Bẩm ông, thằng oắt con này không những không xuống dắt, mà nó còn đứng trên lưng trâu nghênh ngang qua mộ cụ…
Mắt ông Hĩnh long lên, khi nhận ra cái thằng trẻ con hôm nào dám xua đuổi ông ở sân nhà nó. “Bây giờ mày chết với ông”, ông nghĩ thầm rồi hất hàm hỏi Ưởng :
- Có đúng như thế không?
Ưởng trả lời ngay:
- Đúng, nhưng làm sao?
- A, thằng này mày hỗn, phải đánh đòn… Mày không nhìn thấy hai tấm bia hạ mã đặt hai đầu đoạn đường này à?
Ưởng nhảy xuống đất, càng giả vờ:
- Thế à, tôi không biết. Nhưng hạ mã là thế nào?
- Là phải xuống ngựa, dắt ngựa qua đây để tỏ lòng kính trọng với cụ tổ nhà tao - Hĩnh có vẻ thích thú của người đắc thắng. Còn Ưởng cười sằng sặc:
- Thế thì ông sai rồi. Không cưỡi mới ngu! Mà ông đề bia xuống ngựa chứ có cấm cưỡi trâu đâu.
Vừa nói Ưởng vừa nhảy phắt lên lưng trâu, rồi phi nước đại về làng. Đằng sau chủ tớ lão Hĩnh tâng hẩng, vừa tức vừa xấu hổ.
***Năm ấy làng Xác Khê có một thầy đồ từ đâu đến xin mở lớp dạy học. Cả tổng ồn ã hẳn lên. Phạm mẫu mấy đêm thao thức, không sao ngủ trọn giấc. Bà ra vườn ngắt một lá trầu xanh đặt lên chiếc đĩa sứ và rót một chén nước lã từ chum sành hứng dưới gốc cau, mang về đặt lên bục thờ gia tiên. Thắp nén hương, bà lầm rầm:
- Kính lạy liệt tổ liệt tông cao xanh chứng giám. Hôm nay, Phạm thị con cất bước đến nhà thầy xin học cho Phạm nhi. Cổ nhân nói Vạn sự khởi đầu nan, vậy kính mong tổ tiên hãy phù hộ độ trì từ giây khắc đầu tiên cho con thỏa nguyện.
Bà mở hòm lấy bộ quần áo mới để dành mặc cho con, vấn khăn cẩn thận choàng thêm cái áo the, vái tạ gia tiên rồi gói lá trầu quả cau, dắt con đến nhà thầy.
Thấy hai mẹ con người đàn bà ăn mặc chỉn chu đi đứng khoan thai trước mặt, thầy đồ ngẩng lên.
- Chào thầy ạ - người mẹ cất tiếng chào trước.
- Con chào thầy ạ - tiếng đứa con chào theo sau.
Ông đồ ngẩn người nhìn cả hai mẹ con Phạm mẫu, cất tiếng nghe rất sang:
- Mời bác ngồi ghế nói chuyện.
- Vâng thưa thầy, nhà tôi mất sớm để lại cảnh mẹ goá con côi. Hôm nay tôi đưa cháu đến thầy để bày tỏ lòng thành… Nói rồi bà để trầu cau lên mặt tráp. Người mẹ lại rụt rè:
- Thưa thầy, tôi phận đàn bà quê mùa, lại chưa từng va chạm sự học hành bao giờ nên xin phép hỏi, không biết lễ vật phải như thế nào?
Thầy đồ tủm tỉm cười: Đạo học thật rộng lớn, nhưng lại tự nhiên như lẽ đời. Nhiều ít tuỳ lòng chẳng có lệ nào cả. Cốt nhất là hằng tâm. Cái tâm kia mới làm nên mọi nhẽ.
Người mẹ càng mừng rỡ:
- Vậy mổ trâu có được không? Nghe nói việc vào nhập học, khai tâm là việc lớn...
Thầy đáp:
- Như thế thì quá hậu.
Phạm mẫu mang con trâu duy nhất để làm lễ tạ trời đất, tổ tiên và mang món lễ đến biếu thầy dạy học.
Thầy đồ giật mình về hành động chân thành đến kỳ lạ của người mẹ góa. Thầy hỏi:
- Thế tên cháu là gì?
- Dạ, Phạm Duy Ưởng.
Thầy đồ giật thót mình, hỏi lại:
- Bác vừa nói họ tên cháu là gì?
- Dạ thưa thầy, nhà cháu họ Phạm Duy, khi mới đẻ đặt tên tục là Ưởng. Nay đi học, nhờ thầy đặt lại tên cho cháu.
***Thầy đồ Nguyễn Khắc dấn thân vào cửa Khổng sân Trình, mài đũng quần trên giường phản để mài mực, để tập viết từ khi còn bẩy tám tuổi, đến khi trưởng thành mấy chục năm trời, qua bao kỳ khảo hạch, thi hương nhưng vẫn chỉ vượt qua được nhị trường. Một đêm ấy, chàng thiu thiu ngủ thì có một làn gió mát lạnh ùa vào phòng sách. Chàng vừa nhổm dậy bỗng trong làn gió thơm có một bóng người mặc áo the, khăn đoạn, râu trắng như khói sương, nói rằng: Nhà ngươi không được nản chí. Khi nào ngươi gặp bạn đồng hành trên đường khoa lộ thì mới công thành. Chỉ có điều, ngươi phải đứng sau một bực… Nói xong quay ra. Nguyễn Khắc gọi với theo: Xin cho biết người ấy là ai? Và trong làn gió thơm có tiếng mơ hồ đủ nghe rõ: Phạm Duy Ưởng…
Nguyễn Khắc bừng tỉnh. Hoá ra một giấc mơ.
Một hôm, thầy bảo trò: “Nay ta nghe lời của thân mẫu con mà đặt tên lại là Quyết. Con nhớ đây: Chữ Quyết có chữ Ngọc bên trái với ý nghĩa là Ngọc đeo. Nửa vòng ngọc đeo là Quyết. Rồi ra con sẽ trở thành người đáng quý của gia đình, dòng tộc. Bây giờ đeo nửa vòng ngọc, có thể mai kia sẽ đeo những vật quý giá hơn…
Được thầy Nguyễn Khắc dạy dỗ, Phạm Duy Quyết học hành nổi tiếng thần đồng, khẩu khí linh lợi, đối đáp trôi chảy, phú đối làu thông khiến cho bạn bè thán phục. Thầy nghĩ thầm: “Ngày thi đậu cũng chẳng lâu nữa” .
***Phạm mẫu tranh thủ về quê mẹ đẻ bên làng Thượng. Gần đến đầu làng, chợt thấy một đám trẻ con trước mặt đang nhảy nhót, vỗ tay hát:
Vè vẻ vè ve
Nghe vè khoa bảng:
Chí Linh trạng bảng
Phi Hãng tắc Ưởng.
Vè vẻ vè ve …
Phạm mẫu giật mình nghe thấy trong câu hát có tiếng Ưởng như tên con mình, bà bàng hoàng đến gần một em trai bốn năm tuổi hỏi rằng:
- Cháu vừa đọc bài gì hay thế?
Cậu bé nhìn người đàn bà trạc tuổi mẹ mình, hỏi lại:
- Bá mẫu không nghe bao giờ à? Ở khắp vùng này gần đây đều truyền câu hát đấy.
Phạm mẫu càng thấy lạ, hỏi lại :
- Ai bảo cháu thế?
- Cha cháu giảng thế này: Trạng nguyên, bảng nhãn ở đất Chí Linh, không về ông Hãng thì cũng về ông Ưởng.
Phạm mẫu bủn rủn cả chân tay, đi tiếp về làng. Đến bãi cỏ rộng, lại thấy hai đứa trẻ chơi giung giăng giung giẻ, cũng thấy chúng hát câu đồng dao như thế. Tiếng trẻ thơ hồn nhiên lanh lảnh lọt qua bờ tre bụi dứa:
“Chí Linh Trạng bảng, phi Hãng tắc Ửơng…”
***Thầy Nguyễn Khắc đang toàn tâm toàn ý dạy học thì tin cụ thân sinh ra thầy qua đời. Thầy xin phép làng về quê thụ tang. Lớp học sau đó tan ra, học trò tùy nghi cũng đi học các trường khác quanh vùng .
Phạm Duy Quyết lên huyện học. Học hành giỏi giang là vậy, nhưng lại bị hỏng đến mấy kỳ thi, lận đận mãi đến khoa Tân Dậu (1561) mới đậu cử nhân. Chàng nghỉ một năm ôn tập để chờ năm sau về kinh thi Hội.
Hôm vào trường thi, quá bất ngờ Quyết gặp thầy Nguyễn Khắc. Chàng sững sờ vội đến trước mặt thầy, kính cẩn:
- Con chào thầy.
- Phạm Duy Quyết đấy ư?
- Vâng, thầy cũng dự kỳ thi này?
- Ừ, ta chờ đợi khoa này đã mấy chục năm. Thật không ngờ điều này bây giờ mới đến. Thầy trò mừng tủi kể lại chuyện mình thật là biết bao cảm động…
Thầy Nguyễn Khắc có ý thăm dò:
- Ta nghe từ lâu rồi, cả vùng Chí Linh truyền câu đồng dao có thể coi như sấm trạng: “Chí Linh trạng bảng, phi Hãng tắc Ưởng” mà mừng cho anh. Nhưng Đồng Hãng ở Triền Dương đậu hoàng giáp khoa trước rồi. Vậy khoa này đến lượt anh thế nào đây?
Quyết trả lời rất chững chạc:
- Trong số những người vào kỳ thi này, người nhớ nhiều không ai hơn đệ tử, người hiểu lý lẽ đạo trời, học rộng không ai bằng thầy. Có đầu đề hiểm hóc mong thầy vì đệ tử bảo ban cho. Để đền đáp đại đức tác thành, ngôi trạng nguyên đệ tử nghĩ rằng sẽ về thầy ạ… .
Nguyễn Khắc nói:
- Anh nói như vậy chính hợp ý ta.
Không ngờ khi vào thi, mới viết được mươi câu, tự nhiên thầy Nguyễn nổi cơn đau bụng. Thầy Nguyễn ôm bụng quằn quại nhăn nhó, mặt tái mét không sao cầm bút được. Nghĩ tới giấc mộng mấy mươi năm trước, ông ngửa mặt lên trời lẩm nhẩm khấn rằng: “Ngôi trạng nguyên không dám tranh giành cùng Phạm Ưởng (tức Quyết) nữa, xin thần linh giúp đỡ, chỉ mong sao viết trọn quyển được rồi”.
Khấn xong, ông Nguyễn bớt đau. Ông cầm bút viết một mạch trong cảm xúc văn chương.
Vào tuổi 42 Phạm Duy Quyết đậu trạng nguyên, thầy học mình đậu hoàng giáp. Đó là khoa Nhâm Tuất (1562) niên hiệu Thuần Phúc thứ nhất triều Mạc Phúc Nguyên.
***Phạm Duy Quyết về kinh nhận chức Đông Các đại học sĩ, rồi Tả thị lang được vua sủng ái tin dùng. Xét thấy ông làm việc siêng năng, cẩn trọng có lòng trung trinh với xã tắc, triều đình tấn phong chức Thượng thư bộ Lại, tước Xác Khê hầu.
Ngày còn tại vị, Thượng thư bộ Lại Xác Khê hầu đã nhiều lần về quê. Cụ cảm thương dân chúng phải đi lại trên dặm đường dài nhỏ bé, lầy lội. Cụ ngồi kiệu thấy lính khiêng nhọc nhằn, chệnh choạng trên dặm đường sống trâu trơn như đổ mỡ. Cụ cho dân làng đắp con đường từ Xác Khê qua huyện Thanh Lâm đến bến đò Hoàng Kênh. Con đường ấy dân gian gọi là dặm tiều (ý là dặm đường tiều tuỵ ).
Xác Khê hầu mất. Dân 9 xã trong tổng An Điền lập đền thờ, xuân thu nhị kỳ cúng tế. Trước đền có một con khe nhỏ, tên gọi Văn Khê... Trong dân gian vẫn còn truyền lại câu chuyện đứa trẻ chăn trâu sau thành trạng nguyên triều Mạc. Còn bà mẹ góa thành kỳ nữ, coi trọng học hành cho con, mổ trâu cúng tế đất trời.
KHÚC HÀ LINH