【ket quả pháp】Thương hoài một điệu nói thơ...

时间:2025-01-25 22:09:51 来源:88Point

Báo Cà Mau(CMO) Một sáng ngày cuối năm, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà thấy lòng mình ấm hẳn lên khi bất ngờ tái ngộ 2 cựu diễn viên, Ánh Vân và Hồng Đấu của Đoàn Văn công giải phóng tỉnh Cà Mau thuở xưa.

Sau những phút giây tay bắt mặt mừng, thoáng chốc ôm nhẹ cây đờn măng-đo-lin cũ, đôi tay ông chậm rãi khảy lên những thanh âm tình tự để Ánh Vân trổ tài nói thơ Bạc Liêu, điệu thơ độc đáo được sáng tác bởi Nghệ nhân Thái Đắc Hàng đã đi vào kho tàng dân ca Việt Nam. Diễn viên Hồng Đấu cũng ngồi đó, chăm chú nhìn người học trò của cha và em gái mình say sưa biểu diễn, thả hồn đầy xúc cảm bên những miền kỷ niệm thoáng gần, thoáng xa.

Lần giở những mẩu chuyện cứ ngỡ theo năm tháng đã phôi pha, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà cho biết, vào những năm 40 của thế kỷ trước, ở miền Nam có một lệnh bất thành văn là cấm bài vọng cổ vì cho rằng thanh âm này mang tính chất lê thê uỷ mị dễ dẫn đến mất nước. Chính vì thế, phong trào văn nghệ tài tử bị gián đoạn một thời gian, tại Bạc Liêu (nay là 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu), những nhạc sĩ đành phải xếp lại cung đờn với nhiều lưu luyến. Lúc này cả tỉnh chỉ có vỏn vẹn duy nhất một đoàn thông tin lưu động của huyện Năm Căn, do Nghệ nhân Thái Đắc Hàng làm trưởng đoàn, mang nhiệm vụ biểu diễn kết hợp với tuyên truyền, đến đâu cũng được đông đảo quần chúng hưởng ứng nồng nhiệt. Rồi chính sự thiếu vắng đột ngột của bài vọng cổ đã khiến lượng người xem ngày càng giảm sút rõ rệt. 

Vốn là một tay đờn trứ danh với ngọn lửa đam mê đang bừng cháy mãnh liệt, Thái Đắc Hàng lén vào rừng chơi cổ nhạc và không may bị tổ chức phát hiện, theo quy định lúc bấy giờ ông bị kỷ luật rất nặng. Điều này tưởng chừng làm suy sụp tinh thần của người nghệ sĩ, nhưng mỗi khi đêm về, thấy đoàn tuyên truyền lưu động vắng lặng, ông lại đau đáu mọi lúc mọi nơi, tay nắn phím tơ đồng mong có thể tìm được một giai điệu nào đó mới hơn thay thế cho bài vọng cổ mà vẫn đáp ứng thị hiếu của đông đảo quần chúng. "Ban đầu ông lấy giai điệu của bài Nam để đệm đàn nhưng đâu đó còn mang nặng hơi hướng bài vọng cổ, chợt ông sực nhớ đến giai điệu thơ ở bến Bắc mà mình đã được nghe từ rất lâu trước đó rồi nảy sinh câu nhạc theo dạng lục bát. Khi hoàn thành được 2 câu đầu, ông đem trình lên lãnh đạo và bất ngờ được khuyến khích sáng tạo thêm. Trong niềm phấn khởi đó, không lâu sau điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời tại ấp Bàu Tròn, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước vào năm 1946", Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà kể lại.

Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà đờn đệm cho Nghệ sĩ Ánh Vân (bìa trái) biểu diễn nói thơ Bạc Liêu.

Đến tận bây giờ, người nhạc sĩ vẫn khắc sâu trong dòng nhớ bài nói thơ của thầy mình, rồi xúc cảm dâng trào, thanh âm tình tự ở tuổi 88 lại cất lên:

"Cơn nước loạn cần người giúp đỡ, 

buổi lâm nguy cậy ở thanh niên, 

phản công súng nổ đì đùng thì con ơi hãy mau mau khoác áo lên... đường

Con ra mà mặt trận giữ gìn quê hương

Thà rằng chết ở chiến trường, 

còn hơn mà chết ở trên giường thê nhi, 

phản công súng nổ đì đùng..."

Tự hào khi nhắc lại đứa con tinh thần của cha, diễn viên Ánh Vân bộc bạch, khi điệu nói thơ Bạc Liêu ra đời nhanh chóng tạo ra một phong cách nghệ thuật hết sức riêng lúc bấy giờ. Thể loại được sử dụng trong điệu nói thơ là lục bát, khi "chơi"có đờn đệm theo hơi hướng ngũ cung. Người nói vô đúng chữ đờn "hò" (dấu huyền) và có 2 cách nói: Lối trước như vọng cổ rồi vô đờn hoặc nghe đờn đệm trước vô sau. Cứ sau mỗi cặp câu sẽ nghỉ dạo một khuôn đờn, ở mỗi câu có chữ cuối thanh ngang (không dấu) sẽ ngâm ngân nga "ơ... ờ", cứ như vậy lặp đi lặp lại cho đến khi nói xong một bài thơ.

Nói thơ Bạc Liêu ra đời, thể nghiệm đưa lên sân khấu thì lạ thay công tác thông tin tuyên truyền của đoàn càng lúc càng mạnh hơn không thua gì thời kỳ có bài ca vọng cổ. Nhân dân đến xem đoàn đông đảo và mê mẫn giai điệu vừa quen, vừa lạ này khiến việc tuyên truyền, vận động trong quần chúng đạt hiệu quả cao. Thái Đắc Hàng được mời đem "đứa con cưng" của mình truyền dạy cho các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Đàn chim Việt và không bao lâu vần điệu này thịnh hành trong toàn tỉnh và lan ra các tỉnh bạn ở khu vực ĐBSCL.

"Má ơi con chửa muốn chồng

Con chờ mà chiến sĩ là thành công đón chàng

Thời nay mà chiến sĩ hiên ngang ơ ờ

Thời nay chiến sĩ hơn chàng cai sinh

Má ơi chiến sĩ của mình

Đánh Tây mà giỏi quá khiến lòng con thương

Một thương chiến sĩ sa trường

Hai thương mà chiến sĩ can trường đánh Tây

Ba thương lặn lội bùn lầy

Bốn thương mà súng nốp cả ngày nặng vai

Năm thương khổ cực chẳng nài

Sáu thương mà lễ phép mặt mày hân hoan

Bảy thương bảo vệ giang san ơ ờ

Tám thương mà cứu nước mà gian nan nhọc nhằn

Chín thương gươm súng tay cầm

Mười thương mà chiến thắng thương thầm má ơi

Má ơi con đã thương thầm..."

Mải miết nghe em gái cao hứng nói trọn vẹn bài thơ Lý Mười Thương của Nghệ nhân Phi Bằng một thời được hưởng ứng nồng nhiệt, cựu diễn viên Hồng Đấu không khỏi xúc động. Sinh thời, mỗi khi có dịp con cháu tề tựu là y như rằng cha của bà lại nhắc về giai đoạn vàng son của nói thơ Bạc Liêu. Khi vọng cổ bị cấm thì thể điệu nói thơ độc đáo này đã được ưu ái đứng hàng đầu trong làng văn nghệ, bởi chính vần điệu nói thơ dễ tiếp thu, dễ thực hành. Tất cả những bài thơ thể lục bát khi áp dụng chỉ cần mất 5 phút là đều nói được và trở thành một màn biểu diễn rất sinh động. Từ đó nó nhẹ nhàng đi vào cuộc sống của mỗi người dân trong thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Vượt xa phạm vi tuyên truyền buổi đầu với những bài nói thơ cổ động, tuyên truyền, thúc giục lòng yêu nước, kêu gọi thanh niên lên đường.... nó còn xuất hiện trong các đám cưới, gả, giỗ, chạp... kể cả nói thơ trên đồng áng, chèo xuồng, những đêm vắng mải mê đến tận khuya của các má, các chị. Định cư ở Mỹ đã 40 năm, sau những tất bật nơi xứ người, lắm lúc khiến người ta se thắt nỗi nhớ về quê hương, bà lại tìm trong ký ức giai điệu nói thơ nồng nàn của cha rồi thấy lòng mình như ấm áp hẳn.

"Lần về nước hơn 10 năm trước, tôi nhận được chiếc đĩa phim tư liệu về điệu nói thơ của cha, được tin ông mừng lắm vì sự sáng tạo của mình được sự công nhận của xã hội. Chiếc đĩa CD theo hành trang của tôi về lại Mỹ, mở lên cho con cháu và cộng đồng người Việt Nam bên ấy, ai nấy đều chăm chú nghe mê say. Rồi dòng họ Thái của tôi ở Úc cũng rất tự hào về cha chú mình, họ in ra một bản tiếng Anh, một bản tiếng Việt, dạy con cháu phải học thuộc để thêm hiểu và thêm thương nhớ cội nguồn...", hướng mắt về phía ánh nắng chớm xuân chan hoà, nụ cười của diễn viên Hồng Đấu như đang đắm chìm trong vùng trời kỷ niệm cứ nối nhau len lỏi một niềm tự hào bất tận./.

Bài và ảnh: Phúc Phơi Phới

推荐内容