Để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô tối ưu gồm tăng trưởng và ổn định giá cả, hai chính sách này cần được phối hợp và bổ sung cho nhau. Sự phối hợp giữa CSTK và CSTT sẽ được điều chỉnh nhằm ứng phó linh hoạt hơn đối với các chu kỳ của nền kinh tế” – Tiến sỹ Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã cho biết khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
* PV: Nhìn lại giai đoạn 2011 -2015, phối hợp giữa CSTK và CSTT tại Việt Nam thể hiện những mặt tích cực gì, thưa ông?
- TS Nguyễn Viết Lợi: Việc tăng cường phối hợp trong điều hành chính sách vĩ mô được chú trọng nhằm tăng cường tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô, ứng phó kịp thời hiệu quả với các biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trong từng thời kỳ, thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hướng đến phát triển bền vững.
Kết quả của việc phối hợp chính sách tiền tệ – tài khóa 2011 - 2015 đã đem lại môi trường kinh tế vĩ mô ổn định hơn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi khả quan hơn. Phân tích GDP cho thấy xu hướng hồi phục tăng trưởng đã rõ nét hơn trong năm 2014-2015. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,68% trong năm 2015, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Các cân đối vĩ mô cũng khả quan hơn với lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong 14 năm (tăng 0,6% năm 2015), dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm.
* PV: Nhưng trong giai đoạn này cũng có những hạn chế và thách thức, thưa ông?
- TS Nguyễn Viết Lợi:Đúng vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả của phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ thời gian vừa qua còn có một số hạn chế và thách thức: Việc phối hợp CSTK và CSTT mới chỉ hướng đến việc giải quyết từng mục tiêu kinh tế vĩ mô ưu tiên trong từng thời điểm chứ chưa thực sự có sự phối hợp để giải quyết đồng bộ tất cả các mục tiêu vĩ mô: Chẳng hạn, khi có nguy cơ lạm phát cao, việc tập trung vào các giải pháp chống lạm phát bằng chính sách tài khóa – tiền tệ thắt chặt đã khiến cho tốc độ tăng trưởng giảm. Tuy nhiên, khi lạm phát vừa có dấu hiệu bị đẩy lùi, chính sách kích thích tăng trưởng theo hướng nới lỏng tài khóa – tiền tệ, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng đã được áp dụng triệt để, khiến lạm phát bùng phát trở lại. Chu trình này đã lặp đi lặp lại nhiều lần trong giai đoạn 2008 - 2013, khiến cho môi trường kinh tế vĩ mô kém ổn định gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc lập và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh.
|
Về cơ chế phối hợp, Việt Nam đã có Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ song cơ quan này mới chỉ dừng lại ở chức năng tư vấn, tham khảo mà chưa có quyền quyết định cũng như chịu trách nhiệm về chính sách. Chưa có một tổ chức chuyên ngành theo dõi, điều phối, đánh giá việc phối hợp, thiếu một hệ thống công cụ đánh giá tổng hợp chính sách cũng như chế tài đủ mạnh để xử lý việc vi phạm trong phối hợp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô…
* PV: Thưa ông, để thúc đẩy tính "đồng điệu", đồng thời giảm thiểu những "lạc điệu" trong phối hợp 2 chính sách này cần có giảipháp gì?
- TS Nguyễn Viết Lợi:Một là, nên có sự phối hợp CSTK và CSTT trong việc xác định mục tiêu kinh tế vĩ mô ưu tiên trong từng thời kỳ và phải tuân thủ điều phối chung cho mục tiêu đó. Mặc dù việc lựa chọn các mục tiêu kinh tế vĩ mô rất quan trọng đối với quá trình phối hợp chính sách, song các nỗ lực để tuân thủ các mục tiêu đã đề ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả phối hợp chính sách. Sự phối hợp chính sách phải hướng tới xây dựng các mục tiêu chung để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến thực hiện các mục tiêu của các ngành, lĩnh vực khác.
Trong giai đoạn tới, trên cơ sở thực trạng và diễn biến của kinh tế trong nước cũng như quốc tế, cần xác định rõ mục tiêu kinh tế vĩ mô là: Tập trung tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó chú ý đến các vấn đề về lạm phát và các cân đối vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thay vì mục tiêu hướng tới tăng trưởng nhanh như giai đoạn trước đây. Chính phủ nên xem xét đến việc chuyển đổi khung mục tiêu chính sách theo hướng thực hiện chính sách mục tiêu lạm phát linh hoạt nhằm hướng hai chính sách vào mục tiêu chung.
Hai là, phải có sự nhất quán giữa các mục tiêu chính sách ngắn hạn và dài hạn trong phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ. Về ngắn hạn, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ nhằm đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ngăn chặn tình trạng phá sản của doanh nghiệp.
Về dài hạn, chính sách tài khóa phải hướng tới việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Chính sách tiền tệ phải kiên trì với mục tiêu ổn định lạm phát, vấn đề kiểm soát mức độ tăng giá cần phải được đặt lên hàng đầu không chỉ trong thời kỳ có lạm phát cao mà ngay cả thời kỳ lạm phát thấp nhằm tạo lập niềm tin cho thị trường, xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Ba là, thiết lập hệ thống cung cấp thông tin, thực hiện minh bạch đối với các kỳ vọng chính sách cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách. Đặc biệt là phải tiến tới thực hiện khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu và nâng cao kỷ luật tài khóa. Với việc xác định mục tiêu phối hợp tài khóa – tiền tệ giai đoạn tới tập trung vào việc xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, thì việc áp dụng chính sách khuôn khổ lạm phát mục tiêu và nâng cao kỷ luật tài khóa là lựa chọn thích hợp đối với chính sách tiền tệ – tài khóa của Việt Nam.
Bốn là, trong quá trình phối hợp CSTK và CSTT, cần xem xét và tính đến sự phối hợp với các chính sách khác, đặc biệt là các biện pháp giám sát vĩ mô thận trọng. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và được quan tâm nhiều trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định thương mại tự do, nhằm hạn chế sự biến động của các dòng vốn vào – ra, đồng thời tạo sự ổn định tài chính trong nền kinh tế.
* PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Sâm