游客发表
Trong khi mấy chị chuẩn bị bắc nước làm vịt, các anh tỉ mỉ chuẩn bị dàn đờn. Anh Trịnh Văn Trại, Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Khánh Thuận, khoe: "CLB mỗi lần sinh hoạt là vậy đó, cây nhà lá vườn coi vậy mà ấm cúng như buổi họp gia đình, cứ nay nhà này, lần sau lại đến nhà kia, ai cũng háo hức".
Anh Trịnh Văn Trại, Chủ nhiệm CLB ĐCTT xã Khánh Thuận hào hứng khi giới thiệu về CLB xã mình. |
Được thành lập từ năm 2016, CLB tập hợp hơn 20 thành viên là những người đam mê văn nghệ từ các ấp, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần. Trước đây khi chưa có câu lạc bộ, hầu hết hoạt động văn nghệ của bà con tổ chức tự phát, lẻ tẻ và không cố định thời gian, thường nhân dịp các đám tiệc thì các "tài tử" mới có cơ hội ca hát.
Ông Ngô Văn Tây, Ấp 4, chia sẻ: "Mặc dù đã 66 tuổi nhưng tôi còn mê ca lắm. Hồi chưa có CLB này, tôi cũng như mấy anh chị em khác ít có dịp được giao lưu. Nhiều khi đi đám thèm ca mà đâu tới lượt mình, do thỉnh thoảng mới có, nhiều người tham gia lắm".
Ca xong một lớp xuân tình, anh Trại lần lượt giới thiệu những thành viên khác. Vốn đam mê ĐCTT, cải lương từ nhỏ nên khi thấy địa phương không có nơi sinh hoạt văn hoá văn nghệ, đặc biệt là loại hình nghệ thuật này, anh chợt ấp ủ thành lập CLB để tạo điều kiện để bà con có sân chơi lành mạnh. Anh đề xuất ý tưởng với lãnh đạo xã và may mắn nhận được sự đồng ý, ủng hộ.
Từ khi CLB ra đời đã trở thành nhịp cầu gắn kết "tài tử" các ấp một cách rõ rệt. Mỗi người có một công việc riêng ở những địa phương khác nhau nhưng mỗi tháng đều tranh thủ gặp nhau và giao lưu vừa thoả mãn đam mê, vừa học hỏi bài bản, chia sẻ kinh nghiệm ca hát. Ai có gì góp nấy để buổi sinh hoạt thêm gần gũi, chan hoà. Nhiều thành viên của CLB còn mạnh dạn tham gia những hội thi ĐCTT của huyện và tạo được ấn tượng nhất định về một CLB còn khá non trẻ.
Đam mê đờn ca từ năm 8 tuổi, có lẽ ảnh hưởng dòng máu nghệ thuật của gia đình, anh Trần Phú Vinh, 21 tuổi, ở Ấp 21, tuy là thành viên nhỏ tuổi nhất của CLB nhưng lại rành hết 3 Nam 6 Bắc. Anh phấn khởi: "Nhờ có CLB mà tôi có dịp tham gia học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức về loại hình nghệ thuật quý báu từ các cô, chú đi trước, từ đó phần nào ý thức được trách nhiệm duy trì loại hình nghệ thuật này".
Tuy nhiên, thành viên Trương Minh Thông, một thầy đờn của CLB, do dự bày tỏ: "Thấy vậy chứ chúng tôi còn đối mặt với nhiều khó khăn lắm, đây chỉ là duy trì cho thoả đam mê, nếu muốn phát triển để CLB hoạt động chuyên nghiệp hơn thì chắc còn lâu lắm...".
Khó khăn đầu tiên là mặc dù xã có trung tâm sinh hoạt văn hoá nhưng chưa đủ điều kiện để CLB có thể sinh hoạt một cách cố định, gây khó khăn cho các thành viên ở xa muốn tham gia. Nguồn kinh phí hoạt động không có, nên khó trong việc trang bị vật chất cho CLB như âm thanh, dàn đờn... Tất cả hiện trưng dụng những cái sẵn có từ các thành viên với nhau. Mặt khác, thầy đờn lại bị hạn chế về bài bản, không nắm hết 20 bản tổ nên đôi khi các thành viên chỉ quanh quẩn những điệu thức quen thuộc mà khó có thể học hỏi thêm những bài bản mới để nâng tầm đờn ca.
Anh Trại tiếp lời: "CLB cũng như lãnh đạo địa phương ngỏ ý xin Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức một lớp tập huấn cho các tài tử đờn, tài tử ca. Và cũng nhận được lời hứa nếu hoạt động hiệu quả sẽ trang bị đủ dàn đờn nên chúng tôi cố gắng, hy vọng sẽ được sự quan tâm nhiều hơn".
Buổi sinh hoạt cứ thế kéo dài, chiếc micro cứ chuyền nhau trong từng ánh mắt đầy đam mê. Men cay đã ngấm dần, những câu chuyện vụn vặt hay muộn phiền của cuộc sống tạm gác lại phía sau.../.
Trần Hoàng Phúc
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接