Thiết kế khu bếp vạn người mê của Vlogger ẩm thực đình đám
(Dân trí) - Nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội với các video về đời sống, đặc biệt là ẩm thực, nên khu bếp của Dino Vũ (Thủ Đức, TPHCM) cũng được thiết kế phù hợp với nhu cầu.
Sở hữu căn penthouse 2 tầng rộng gần 250 m2 tại Thủ Đức (TPHCM), nhưng khu bếp mới là nơi Dino Vũ dành nhiều tâm huyết nhất khi thiết kế nội thất. Thậm chí, anh còn thiết kế khu bếp với cổng vòm, sàn nâng và hệ thống đèn long lanh như một sân khấu thực thụ.
Theo Vlogger này, nhiều gia đình thường không để ý tới ánh sáng trong bếp. Còn anh thì khác. Do công việc chủ yếu trong bếp nên anh rất chú trọng đèn chiếu sáng trong không gian này. Gian bếp của anh được trang bị hệ thống dàn đèn hiện đại, ít ánh sáng xanh để tạo cảm giác ấm cúng.
"Ngoài ra, tôi còn đầu tư đèn trong phòng bếp với chỉ số hoàn màu lên tới 97%, trong khi thông thường chỉ số hoàn màu của đèn trên thị trường chỉ được 80% trở xuống. Chỉ số hoàn màu càng cao thì màu sắc các món ăn khi lên hình sẽ được phản chiếu càng đẹp", anh cho hay.
Bếp được chia làm 2 khu vực với bếp sát tường và đảo bếp dài tới 4 m. Làm đảo bếp dài như vậy là bởi anh phải thao tác rất nhiều tại đây. Thêm nữa, anh thường xuyên có khách tới thăm và phụ giúp việc bếp núc nên đảo bếp dài để có không gian cho 5-6 người cùng làm. Đặc biệt, phòng bếp còn được anh bố trí một bàn ăn nhỏ để khách có thể thưởng thức món ăn vừa ra lò.
Trên đảo bếp, Vlogger này bố trí bếp chính và máy hút mùi. Hệ thống hút mùi đã được thiết kế ống thông gió ra ngoài để tránh phải sử dụng máy hút mùi tuần hoàn.
"Máy hút mùi tuần hoàn như một máy lọc không khí, nó hút mùi trực tiếp từ bếp rồi lọc và trả ngược lại phòng. Loại máy này phù hợp với những căn hộ không có thiết kế đường gió ra. Song, máy không hiệu quả bằng việc có đường ra cho gió trực tiếp, vì nó sẽ lọc đi lọc lại không khí quanh đó và mùi sẽ vẫn còn", Dino Vũ thông tin.
Khu bếp sát tường được thiết kế bồn rửa bát và bếp phụ. Thiết kế như vậy vì theo anh, bồn rửa bát quay vào tường sẽ hạn chế nước bắn ra sàn, bếp phụ cũng được dùng để làm các món chiên rán, khi dầu mỡ bắn lên mặt đá sẽ dễ dàng lau chùi.
Do bếp là nơi thường xuyên phải lau rửa, tiếp xúc với nước nhiều, gỗ plywood được dùng để tăng tính chịu ẩm. "Tôi sử dụng gỗ công nghiệp vì cần độ chính xác cao tới từng mm, thuận tiện cho việc lắp các thiết bị điện. Đây là loại gỗ có nhiều lớp, các lớp được đính theo số lẻ đối xứng nhau. Gỗ này rất phù hợp trong bếp vì nó chịu ẩm tốt do được xếp các thớ linh hoạt", chủ căn bếp cho hay.
Một kinh nghiệm dành cho những người đang thiết kế tủ bếp, theo anh, là nên thiết kế các hộc tủ riêng biệt. Bởi nếu các tủ nhỏ bị hỏng thì có thể dễ dàng tháo rời và thay thế, thay vì phải dỡ cả hệ thống tủ bếp xuống để sửa chữa.
Tâm huyết với căn bếp, nên anh mất rất nhiều thời gian và công sức với từng chi tiết trong bếp. Anh cho biết, bản thân đã phải làm việc với đội thiết kế và bên bán nội thất rất nhiều lần mới cho ra bản thiết kế của khu bếp. Nhờ đó, công năng sử dụng của bếp luôn ở mức tối đa.
"Tất cả hộc tủ đều được thiết kế đèn để tôi dễ quan sát. Các tủ cũng được bố trí hệ thống tay đẩy, giá nâng điện để thuận tiện trong việc sử dụng", anh nói và khẳng định, đôi khi, cuộc sống tiện nghi cũng chỉ có như vậy.