Tại tọa đàm “Tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp sản xuất thông qua ứng dụng giải pháp giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực bằng công nghệ” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty TNHH CADDI Vietnam tổ chức vào ngày 24/4, ông Nguyễn Trung Thực, Phó Viện trưởng, Phụ trách điều hành Viện Tin học doanh nghiệp (VCCI) đã nêu rõ thực tế những chuyển đổi nhanh, mạnh trong công cuộc chuyển đổi số ngành sản xuất. Theo ông Thực, áp dụng và kết hợp các công nghệ tiên tiến mang lại các lợi ích rõ rệt cho doanh nghiệp bởi chuyển đổi số không chỉ về mặt công nghệ, mà còn là chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, xúc tiến, quảng bá... từ đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực. Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takei Daisuke, Tổng Giám đốc CADDI Vietnam nhận định, những công ty thúc đẩy số hoá sẽ có khả năng phát triển và tăng trưởng nhanh hơn. Tuy nhiên, theo một khảo sát thì ngay tại Nhật Bản cũng có đến 67% doanh nghiệp thất bại khi triển khai chuyển đổi số. Nguyên nhân xuất phát từ những phức tạp về công nghệ và vận hành cũng như làm thế nào để đáp ứng được môi trường kinh doanh. Tại Việt Nam, TS. Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cũng chỉ rõ, khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp đó đến vấn đề về nhận thức, bởi nếu không có nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số thì không thể thực hiện được. Cũng về vấn đề này, theo ông Nguyễn Trung Thực, khi quyết định chuyển đổi số, doanh nghiệp chấp nhận thay đổi quy trình, hệ thống và cả con người nên đòi hỏi một ngân sách đủ lớn để làm đồng bộ, toàn diện, không chắp vá. Hơn nữa, chuyển đổi số không phải là câu chuyện riêng của công nghệ mà là bài toán khó từ chính con người. Dù sở hữu một hệ thống tiên tiến, hiện đại, nhưng tư duy lối mòn sẽ trở thành rào cản khiến công nghệ không được khai thác triệt để và ứng dụng hiệu quả. Mặt khác, lựa chọn công nghệ phù hợp với doanh nghiệp cũng là thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Theo đại diện VCCI, vấn đề là doanh nghiệp phải tìm ra phương thức để tạo giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp khi những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine Learning), Internet vạn vật (IoT), mô hình 3D hay đám mây (Cloud) đang phát triển mạnh mẽ… Vì thế, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, bên cạnh sự đầu tư và hỗ trợ của các cơ quan chức năng, vấn đề chuyển đổi số sản xuất cần những giải pháp xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong nước và hợp tác quốc tế để đầu tư phát triển công nghệ số trong ngành sản xuất, giúp chuyển đổi số đi vào trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo, lãng phí. Tại toạ đàm, đại diện lãnh đạo CADDI Vietnam cho biết, giải pháp CADDi Drawer được cung cấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong suốt quá trình thiết kế, mua sắm và sản xuất. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang cung cấp và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác quản trị, đánh giá chuyển đổi số.... Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, chuyển đổi số hiệu quả cần tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng như: tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành sản xuất; tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành sản xuất và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực... |