Tạo bình đẳng?
Cách đây không lâu, thống nhất đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng sản xuất, tiêu dùng gạo trong nước, các doanh nghiệp và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đưa ra đề nghị "bỏ quy định áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với gạo sản xuất, tiêu dùng trong nước để có giải pháp xử lý bảo đảm công bằng và khuyến khích sản xuất, tiêu dùng gạo sản xuất trong nước".
Hiệp hội này dẫn chứng một thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó nhấn mạnh, chỉ 15% tổng sản lượng gạo sản xuất trong nước trong tổng sản lượng gạo khoảng 22 triệu tấn là đưa vào kênh phân phối (chịu thuế GTGT 5%) và xuất khẩu tiểu ngạch.
Do tập quán kinh doanh tiêu dùng của người dân chủ yếu thông qua hệ thống bán lẻ của tư thương và các chợ truyền thống nên đã có một lực lượng không nhỏ tư thương chịu mức thuế GTGT và mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoán với tỷ lệ (%) thấp hơn so với doanh nghiệp làm nhiệm vụ phân phối gạo (kê khai nộp thuế GTGT 5% đầu ra, được khấu trừ đầu vào và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai). Còn người nông dân bán gạo tự sản xuất ra thì không chịu thuế GTGT.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo do doanh nghiệp sản xuất bán cho người tiêu dùng chịu thuế GTGT 5% trong khi gạo tư thương bán ra không chịu thuế hoặc khoán thuế thấp gây ra cạnh tranh không bình đẳng dẫn tới các doanh nghiệp sản xuất gạo quy mô lớn khó cạnh tranh trên thị trường, không tạo được thương hiệu, người tiêu dùng mua gạo của tư thương không đảm bảo chất Ịựợng vệ sinh thực phẩm. Hiệp hội kiến nghị áp dụng thuế suất thuế GTGT 0,5% để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và xây dựng thương hiệu gạo.
Trong trường hợp đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế GTGT xuống mức thấp hơn 5% gặp vướng mắc do không phù hợp thông lệ hoặc lộ trình thuế, Tổng Công ty Lương thực mạnh dạn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ cho phép chuyển mặt hàng gạo sang đối tượng không chịu thuế GTGT nhằm bảo đàm môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhằm tạo điều kiện tái cơ cấu có hiệu quả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Sửa thuế cũng không hơn
Hồi đáp những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cân nhắc từng đề xuất.
Trước hết, đối với kiến nghị chuyển gạo sang áp dụng mức thuế suất 0,5% hoặc chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế GTGT hiện hành không có quy định về mức thuế suất 0,5%. Việc bổ sung mức thuế suất mới không phù hợp với Chiến lược cải cách thuế GTGT giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với chủ trương "thu hẹp nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT, nhóm đối tượng áp dụng thuế suất 5% tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT thống nhất".
Bên cạnh đó, theo nguyên tắc và thông lệ quốc tế về thuế GTGT, mức thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu do đó đề xuất áp dụng thuế suất 0% không phù hợp.
Hơn nữa, nếu áp dụng thuế suất 0% đối với gạo thì phải áp dụng thuế suất 0% ở tất cả các khâu từ trồng trọt, sơ chế, lưu thông thương mại và phải thực hiện hoàn thuế GTGT. Việc này là không khả thi vì người nông dân không thực hiện được hệ thống kế toán và sổ sách, hóa đơn, chỉ có doanh nghiệp sản xuất đáp ứng được thủ tục điều kiện và được hoàn thuế, gây bất bình đẳng giữa nông dân và tổ chức thực hiện được hạch toán kinh doanh, sổ sách kế toán.
Trong kiến nghị chuyển gạo sang đối tượng không chịu thuế GTGT tại khâu kinh doanh thương mại, Bộ Tài chính thấy rằng mức chênh lệch giá giữa doanh nghiệp và hộ tư nhân không lớn, vì vậy việc mua gạo tư thương tại các chợ truyền thống cũng như những thực phẩm khác thực tế là do thói quen của người dân. Giá bán gạo của doanh nghiệp chưa cạnh tranh bằng giá của hộ tư thương cơ bản không có nguyên nhân từ áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 5%. Do vậy, việc sửa đổi chuyển gạo sang đối tượng không chịu thuế sẽ không có khả năng giúp doanh nghiệp cạnh tranh được với hộ tư thương như doanh nghiệp đề nghị.
Chính sách đã thuận lợi
Thực tế, xem xét những quy định hiện hành có thể thấy, theo Luật thuế GTGT, gạo xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho kinh doanh gạo (xay xát, vận chuyển, đóng gói, điện, nước,...).
Việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với gạo đã góp phần khuyến khích hoạt động xuất khẩu gạo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường quốc tế và góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo cho bà con nông dân.
Đối với gạo tiêu thụ trong nước, Luật thuế GTGT hợp nhất quy định gạo không chịu thuế GTGT tại khâu sản xuất trực tiếp bán ra là phù hợp với thực tế do hầu hết nông dân không thực hiện hạch toán kế toán, lưu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ khi mua hàng hóa, dịch vụ, không thể áp dụng kê khai, khấu trừ và tính nộp thuế GTGT đối với sản xuất gạo.
Bên cạnh đó, để khuyến khích sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất lúa gạo, thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều không chịu thuế GTGT (giống, dịch vụ tưới tiêu, thu hoạch,...) hoặc áp dụng thuế suất thấp 5% (đào đắp, nạo vét kênh, mương, ao hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp,...).
Tại khâu kinh doanh thương mại, các văn bản hiện hành cũng quy định doanh nghiệp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Chính sách này đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp không phải ứng vốn để trả thuế GTGT khi mua gạo, không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT khi bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã (giảm thủ tục hành chính, chi phí trong kê khai, nộp thuế GTGT), hạ giá thành gạo tại các khâu thương mại trung gian, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đối với hộ tư nhân bán buôn vẫn phải kê khai nộp thuế theo mức khoán.
Có nghĩa là, chỉ trong trường hợp bán lẻ trực tiếp hoặc bán cho các đối tượng khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã thì doanh nghiệp mới phải kê khai nộp thuế GTGT.
Như vậy, nếu doanh nghiệp có nguồn cung cấp gạo tốt, ổn định thì những chính sách hiện hành đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như các tổng công ty trở thành đơn vị đầu mối trong khâu thương mại cung cấp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã bán lẻ do không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT và do những đơn vị bán lẻ này có mức nộp thuế GTGT như hộ kinh doanh cá thể.