(CMO) Về chợ Vàm Đầm, hỏi anh Tư chem chép là ai cũng biết. Đó là biệt danh mà người ta đặt cho cái nghề bắt chem chép hơn 20 năm nay của vợ chồng anh Tư Ngọc (anh Phan Văn Ngọc và chị Nguyễn Thị Thuý, ấp Hiệp Dư, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi). Từng dắt díu nhau lên Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân gần 5 năm trời, cuộc sống gò bó, chen chúc, nhất là chuyện học hành của 3 đứa con gái có nguy cơ bị dở dang, vợ chồng anh quyết định trở về quê tiếp tục mưu sinh bằng nghề bắt chem chép.
Đều đặn mỗi ngày, tờ mờ sáng vợ chồng anh Tư Ngọc chuẩn bị vội bữa sáng bằng mì gói hay cơm chiên tỏi, rồi sách vở, quần áo cho 3 đứa con gái đi học. Xong xuôi cũng là lúc nước bắt đầu rút dần, để lộ ra bãi bồi phù sa ven theo những hàng mắm, đước. Anh chị chuẩn bị dụng cụ xô, vá, xẻng, đèo nhau trên chiếc xe chỉ còn trơ lại bộ “xương sườn”, qua chuyến phà ngã năm mới đến điểm “săn” chem chép. Đến nơi, anh Ngọc nói: “Khi thấy hang chem chép mình dùng xẻng đào từ từ xuống. Khi nào thấy con chem chép nhô lên thì dùng tay bắt, nếu không khéo, đào mạnh làm bể vỏ chem chép sẽ bán không được”.
Chem chép ưa sống ven theo những vùng bãi bồi có bùn, mỗi hang có 1 con, phải dùng xẻng đào để bắt chúng. |
Nước lớn, nước ròng, làm nghề này sợ nhất là bị vỏ hàu, miểng chai đâm trúng chân. Mỗi lần như vậy phải nghỉ mấy ngày. Anh Ngọc kể: “Khoảng 10 năm trước, dân nghèo ở xứ Vàm Đầm này đa số làm nghề bắt chem chép, có khi vài chục người. Đi vỏ lãi cả đoàn, hùn nhau đổ xăng hoặc vựa thu mua hỗ trợ tiền xăng cho đi bắt. Từ khi có nhiều công ty mở ra, người ta dần dần kéo nhau đi làm công nhân, giờ chỉ còn vài người ở lại làm nghề này. Bây giờ chỉ có vợ chồng tôi đi bắt, vòng vòng từ đây lên Tân Tiến. Chạy đỡ chiếc xe cà tàng này khoảng vài chục ngàn đồng tiền xăng, chứ đi xuồng máy thì tốn gần trăm ngàn đồng”.
Chị Thuý nói vui: “Ổng hồi xưa là sư phụ dạy tui nghề bắt chem chép đó”. Anh Ngọc đáp lại: “Giờ bả đào chem chép còn hay hơn tui. Nhưng có cái là đi đào từ sáng tới chiều mà không chịu uống nước, sợ lạnh run. Vì mới sanh xong hơn 1 tháng là bả đòi đi mần rồi”. Đúng là hơn buổi lội dưới bùn lầy nhưng anh chị không ai ăn cơm hay uống nước, khi nghỉ tay ngồi núp bóng mát dưới cây mắm, cây me một lát rồi tiếp tục đi bắt, đến khi nước lớn mới về.
Thịt chem chép rất ngon, có vị ngọt, từ lâu được xem là sản vật của vùng đất bãi bồi Vàm Đầm. |
Theo anh Ngọc, đào chem chép có thể làm quanh năm, nhưng số lượng càng ngày càng ít đi: “Trước đây, khoảng 1 thước vuông thôi là đào được mười mấy kí-lô-gam, còn giờ có khi đi cả ngày, lội rã chân được chừng 10 kg là nhiều rồi. Do còn một số người làm nghề này, nên hễ tới kênh nào thấy dấu họ đi đào trước thì mình đi kênh khác. Bây giờ chem chép có giá lắm, 40.000-50.000 đồng/kg, chứ thời tui mới biết đi bắt chem chép chỉ có 2.000-4.000 đồng/kg. Vợ chồng làm một ngày cũng được hơn 300.000 đồng”.
Làm nghề này không dư dả nhưng nếu tằn tiện cũng đủ trang trải cuộc sống hàng ngày và lo cho 3 đứa con gái nhỏ đến trường. “Trước đây, vợ chồng đi Đồng Nai, Bình Dương làm công nhân cũng được 9-10 triệu đồng/tháng/2 người. Chi phí sinh hoạt và học hành của con cao quá nên chỉ cho 2 đứa đi học, còn 1 đứa nghỉ. Suy nghĩ lại, về quê thì cũng được Nhà nước, địa phương hỗ trợ một phần học phí cho các con”.
Thịt chem chép rất ngon, có vị ngọt, từ lâu được xem là sản vật của vùng bãi bồi, ven biển và trở thành đặc sản đắt tiền của các quán ăn, nhà hàng, có thể chế biến thành nhiều món, như chem chép nướng mỡ hành, xào sả ớt, nấu cháo…. Còn đối với những người như vợ chồng anh Tư Ngọc thì chem chép là nồi cơm, là quần áo, sách vở cho con đến trường./.
Thảo Mơ