Những bất cập khi thực hiện thủ tục chuyển đổi từ doanh nghiệp thường sang doanh nghiệp chế xuất | |
Nhiều biện pháp hỗ trợ hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp | |
Kỳ vọng thúc đẩy một đợt sóng cải cách mới về các quy định kinh doanh |
Những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước là động lực để hộ, cá nhân kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Ảnh: Thuỳ Linh |
Rà soát chặt chẽ hộ kinh doanh
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, từ năm 2018 đến hết tháng 9/2020, số thu từ hộ kinh doanh toàn quốc đạt 50.607 tỷ đồng.
Tại các cục thuế lớn trên cả nước, công tác rà soát, tăng cường quản lý với hộ kinh doanh cũng đang được chú trọng.
Tại Hà Nội, để quản lý chặt các hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn, đồng thời nhằm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, Cục Thuế TP Hà Nội đã chỉ đạo các chi cục thuế trực thuộc thường xuyên xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đăng ký với cơ quan Thuế. Thực hiện chỉ đạo này, Chi cục Thuế Hà Đông đã tiến hành rà soát, đồng thời tham mưu UBND quận Hà Đông có văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc quận triển khai rà soát về tình hình hoạt động của các hộ kinh doanh theo Giấy phép đăng ký kinh doanh. Báo cáo của Chi cục Thuế quận Hà Đông cho biết, sau khi rà soát, cơ quan Thuế đã lập danh sách gửi phòng Tài chính Kế hoạch quận đề nghị thu hồi 14.976 giấy phép đăng ký hộ kinh doanh vì quá thời hạn 6 tháng kể từ ngày cấp nhưng không hoạt động tại địa chỉ mà cơ quan có thẩm quyền đã cấp đăng ký kinh doanh.
Không chỉ vậy, thực tế cho thấy, suốt thời gian qua, ngành Thuế đã dùng nhiều biện pháp để tăng cường quản lý hộ kinh doanh và chống thất thu thuế. Đơn cử như năm 2019, ngành Thuế đã tiếp tục rà soát cơ chế chính sách liên quan đến hộ kinh doanh không chỉ trong lĩnh vực thuế mà còn liên quan các lĩnh vực khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ,… Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã ban hành các quyết định để triển khai thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
Nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi
Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Để đạt được con số này, hộ kinh doanh là một trong những nhân tố quan trọng bởi hiện cả nước đang có tới gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, trong đó có 11% hộ kinh doanh sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên. Nếu những hộ này chuyển đổi thành doanh nghiệp thì đây sẽ là nguồn lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong những năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam có rất nhiều thuận lợi, từ thủ tục thành lập đơn vị kinh doanh đến cải cách quản lý thuế đối tượng này theo hình thức khoán, không cần tập hợp hóa đơn, ghi chép sổ sách... đã tạo điều kiện cho hộ, cá nhân kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, việc hội nhập mở rộng là xu thế tất yếu. Do vậy, việc hỗ trợ, tạo đà cho hộ, cá nhân kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp là chủ trương lớn được Nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng. Những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước là động lực để hộ, cá nhân kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp.
Cụ thể, về chính sách miễn lệ phí môn bài, theo quy định tại Điều 16 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu...
Về phương thức kê khai, hạch toán, doanh nghiệp được lựa chọn phương pháp kê khai thuế phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh (phương pháp kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu trừ chi phí hoặc phương pháp kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ hoặc phương pháp kê khai thuế giá trị gia tăng tính trực tiếp trên doanh thu)...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, việc trở thành doanh nghiệp cũng giống như các hộ kinh doanh đã "trưởng thành", hoạt động bài bản, quy mô hơn. Khi có tư cách pháp nhân, hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Việc được hoàn thuế giá trị gia tăng cũng giúp các hộ kinh doanh chủ động kế hoạch tài chính, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, khi không bị giới hạn số lượng lao động giúp hộ kinh doanh phát triển với quy mô lớn hơn, được tham gia các hội nghề nghiệp, được tiếp cận với hệ thống quản lý kế toán hiện đại và nâng cao năng lực quản trị. Chỉ khi chuyển đổi sang doanh nghiệp, các hộ kinh doanh mới có thể gia nhập chuỗi cung ứng, liên kết sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có 321/711 chi cục thuế (tính theo các chi cục thuế chưa sáp nhập thành chi cục thuế khu vực) thuộc 29 cục thuế tỉnh, thành phố tham gia thí điểm uỷ nhiệm thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán, có 3 tổ chức tham gia thí điểm nhận ủy nhiệm thu thuế. |