Điều đầu tiên và trước hết là thách thức phải đối phó với chủ nghĩa ly khai ở các khu vực miền Đông. Đúng như dự báo trước đó, cuộc bầu cử đã không thể tổ chức được ở nhiều khu vực tại Donetsk và Luhansk, đặc biệt ở những nơi là "thủ phủ" của chủ nghĩa ly khai. Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử, lực lượng ly khai đã chiếm sân bay ở Donetsk, khiến các lực lượng an ninh Ukraine phải tiến hành chiến dịch quân sự quy mô vào nơi này. Trong khi đó, đến nay giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục. Chiến dịch quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát ở Donetsk là một trong những chiến dịch quy mô nhất kể từ khi các lực lượng an ninh Ukraine phát động cuộc chiến chống khủng bố từ đầu tháng 4-2014. Các lực lượng Ukraine đã sử dụng pháo, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu nhằm giành lại sân bay này. Lực lượng ly khai với các loại vũ khí nhỏ, lựu đạn, súng cối và súng máy đã chống trả quyết liệt, trong khi đó lực lượng bộ binh Ukraine dường như đã tiếp cận được các mục tiêu bằng các loại xe bọc thép. Con số thương vong báo chí đưa ra là khá khác nhau nhưng ít nhất 30 người phía lực lượng ly khai đã thiệt mạng trong chiến dịch này trong khi thương vong về phía Chính phủ Ukraine vẫn chưa được công bố. Câu hỏi lớn nhất tiếp theo là Nga sẽ phản ứng thế nào đối với các chiến dịch quân sự này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 27-5 khẳng định Moscow “mở cửa đối thoại” với giới lãnh đạo mới với điều kiện các chiến dịch an ninh của Ukraine chống lại những người ly khai phải chấm dứt. Nga có ảnh hưởng lớn đối với các nhóm ly khai được trang bị vũ khí hạng nặng ở Donetsk và Luhansk dù việc nước này có hậu thuẫn cho cuộc tấn công sân bay Donetsk hay không vẫn chưa rõ. Theo giới phân tích, ít nhất ở thời điểm này, ông Putin có thể loại bỏ khả năng điều động quân đội, nhưng ông lại mở "chiếc hộp Pandora" với việc kích động tinh thần chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề Ukraine. Thay đổi giới lãnh đạo ở Ukraine đã mang đến cơ hội cải thiện mối quan hệ giữa Kiev và Moscow khi tiến trình đàm phán đối với các vấn đề năng lượng đang diễn ra. Tuy nhiên, với cam kết tiếp tục thực hiện các chiến dịch an ninh cho tới khi tất cả các nhóm ly khai lớn bị giải giáp, đồng thời tiếp tục con đường của Ukraine hội nhập vào châu Âu của ông Poroshenko, đây sẽ là cản trở đáng kể cho bất kỳ mối quan hệ nồng ấm nào với Nga. Việc cân bằng quan hệ với Nga và với phương Tây sẽ là thách thức vô cùng lớn đối với tỷ phú "chocolate" Poroshenko. Ông Putin đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận công khai về kết quả của cuộc bầu cử ở Ukraine cũng như chưa cho biết ông sẽ phản ứng với tình trạng bạo lực ở Ukraine ra sao, nhưng điện Kremlin dẫn lời ông Putin nói với Thủ tướng Italy rằng chiến dịch quân sự của Kiev phải chấm dứt ngay lập tức. Phản ứng này cho thấy một sự thay đổi trong giọng điệu của ông Putin sau nhiều ngày tỏ ra tương đối mềm mỏng. Động thái này làm gia tăng khả năng một cuộc đối đầu mới với Kiev trước khi nhà tỷ phú Poroshenko nhậm chức Tổng thống. Rõ ràng rằng trước khi cuộc bầu cử ở Ukraine diễn ra, Nga đã xác định ông Poroshenko là ứng cử viên "đỡ gây bất lợi nhất". Ông Putin trước đó đã bất ngờ miêu tả cuộc bầu cử là "một bước đi đúng hướng" và bày tỏ dấu hiệu rằng ông sẽ hợp tác với Tổng thống mới của Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine dường như lại hiểu chiến thắng lớn của ông Poroshenko là sự thể hiện các hành động dứt khoát và rằng nước này đã có quan điểm cứng rắn hơn trong các cuộc thương lượng về món nợ 3,5 tỷ USD mua khí đốt của Nga. Nhóm phân tích rủi ro IHS cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ không can thiệp ở thời điểm này. |